• Nov-Dec Decablog

[Hướng dẫn] 6 cách cầm vợt cầu lông đúng kỹ thuật

Cầu lông là một bộ môn thể thao giúp nâng cao sức khỏe và giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Dù đây là môn thể thao đơn giản nhưng nếu biết cách cầm vợt cầu lông đúng kỹ thuật, bạn sẽ cải hiệu suất và trình độ chơi một cách đáng kể. Có nhiều cách cầm vợt cầu lông khác nhau và bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn 6 cách cầm vợt phổ biến và cách thực hiện chúng.

1. Tại sao bạn nên cầm vợt cầu lông đúng cách?

Cầu lông là một bộ môn thể thao đòi hỏi sự linh hoạt của cổ tay. Nếu không biết cách cầm vợt đúng cách, bạn sẽ:

  • Gặp khó khăn khi điều khiển lực đánh và hướng cầu
  • Có nguy cơ gặp phải những chấn thương nghiêm trọng

Ngược lại, nếu biết cách cầm vợt đúng cách, bạn có thể dễ dàng:

  • Sử dụng sức mạnh của cơ và bắp tay một cách hiệu quả
  • Kiểm soát tối ưu đường cầu và xác định chính xác điểm rơi cầu
  • Thực hiện các pha đánh cầu và đỡ cầu linh hoạt
Cầm vợt cầu lông đúng cách sẽ giúp bạn tận dụng tối đa sức mạnh của cơ và bắp tay
Cầm vợt đúng cách sẽ giúp bạn tận dụng tối đa sức mạnh của cơ và bắp tay, kiểm soát hiệu quả đường cầu và điểm rơi cầu (Freepik)

2. Cách cầm vợt căn bản cho người mới bắt đầu

Có mấy cách cầm vợt cầu lông? Nếu bạn là người mới chơi cầu lông, Decathlon gợi ý cho bạn có thể bắt đầu với 3 cách cầm vợt cơ bản dưới đây:

2.1. Cách cầm vợt thuận tay (V-grip)

Để thực hiện cách cầm vợt V-grip, bạn có thể thực hiện theo các hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Để tay thuận ở tư thế ở tư thế chuẩn bị bắt tay, các ngón tay còn lại duỗi thẳng và hướng về phía trước.
  • Bước 2: Dùng tay không thuận cầm vợt đặt vào giữa lòng bàn tay của tay thuận, sao cho mặt vợt phải vuông góc với mặt đất.
  • Bước 3: Chụm các ngón tay bao quanh cán vợt một cách nhẹ nhàng.
  • Bước 4: Điều chỉnh ngón trỏ và ngón cái tạo thành hình chữ V và phần thấp nhất của chữ V phải thẳng hàng với đầu vợt.
Cách cầm vợt cầu lông thuận tay V-grip
Cách cầm vợt thuận tay/V-grip (Nguồn: Internet)

Cách cầm vợt này khá đơn giản, phù hợp với những tình huống giao cầu và cả trọng trận đấu. Bạn có thể ứng dụng cách cầm vợt này trong trường hợp đánh những quả cầu ở phía thuận tay hoặc những cú đánh từ trên cao.

*Lưu ý:

  • Bạn nên cầm vợt một cách vừa phải, không quá chặt, để cổ tay có thể di chuyển vợt linh hoạt và thoải mái.
  • Bạn chỉ nên siết chặt vợt khi thực hiện cú đánh cầu, vì khi đó, ngón đeo nhẫn và ngón út sẽ giúp vợt không bị tuột khỏi tay.
  • Bạn cần đảm bảo ngón trỏ phải cong, ôm lấy tay cầm và không được duỗi thẳng trong bất kỳ trường hợp nào, nếu không bạn có thể bị chấn thương khi đánh cầu.

Ngoài ra, để hình dung rõ hơn về cách cầm vợt V-grip, bạn có thể tham khảo video dưới đây (0:22 – 1:03):

2.2. Cách cầm vợt trái tay (Backhand thumb grip)

Để thực hiện cách cầm vợt trái tay (Backhand thumb grip), bạn có thể làm lần lượt các bước sau:

  • Bước 1: Đặt vợt cầu lông giống lên bàn tay như đang “cầm chảo”.
  • Bước 2: Đặt ngón cái duỗi nhẹ theo chiều dài của cán vợt sao cho ngón cái đặt trên một cạnh sau của vợt, và tạo cảm giác ngón cái đẩy cán vợt từ phía sau.
  • Bước 3: Đặt ngón trỏ trên cán vợt và nhẹ nhàng đặt  các ngón còn lại ôm lấy tay cầm vợt.
Cách cầm vợt cầu lông trái tay/Backhand thumb grip
Cách cầm vợt trái tay/Backhand thumb grip (Nguồn: Internet)

Cách cầm vợt này có thể áp dụng cho nhiều cú đánh khác nhau, từ các hướng khác nhau hoặc cách đánh khác nhau như giao cầu thấp tay, giao cầu trái tay và chụp lưới.

*Lưu ý:

  • Bạn nên thả lỏng cổ tay và các ngón tay khi cầm vợt, chỉ siết chặt khi thực hiện các cú đánh cầu. Bởi việc cầm vợt quá chặt trong thời gian dài có thể khiến bạn đánh cầu kém chính xác và dễ bị chấn thương.
  • Bạn nên tránh đặt ngón cái có cùng phương với khung và mặt vợt, vì cách cầm này sẽ khiến bạn thực hiện những cú đánh hỏng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo cách cầm vợt trái tay tại đây (1:03 – 1:40):

2.3. Cách cầm vợt khi phòng thủ trong cầu lông

Cách cầm vợt khi phòng thủ trong cầu lông cũng khá giống với cách cầm vợt cầu lông trái tay và để thực hiện cách cầm vợt này, bạn có thể tham khảo các bước cầm vợt dưới đây:

Bước 1: Dùng ngón cái đặt lên mặt rộng của cán vợt để tạo lực tì, giúp đánh trả cầu hiệu quả hơn.

Bước 2: Đảm bảo luôn giữ tay cầm vợt ở phía trước

Cách cầm vợt khi phòng thủ trong cầu lông
Cách cầm vợt khi phòng thủ trong cầu lông (Nguồn: Internet)

*Lưu ý:

  • Bạn không nên cầm vợt quá chặt tay vì chúng có thể cản trở các hoạt động đánh cầu của bạn.
  • Bạn cũng có thể linh hoạt đổi cách cầm từ thuận tay sang trái tay để có thể tấn công ở nhiều điểm khác nhau.

3. Cách cầm vợt nâng cao

Bên cạnh các cách cầm vợt cơ bản, bạn có thể tập luyện các cách cầm vợt nâng cao:

3.1. Cách cầm vợt kiểu cán búa (Hammer grip/Panhandle grip)

Để thực hiện cách cầm vợt kiểu cán búa, bạn chỉ cần siết nhẹ các ngón tay vào phần tay cầm vợt, sao cho các ngón tay không được đè lên nhau. Bạn cũng có thể bắt đầu bằng cách cầm vợt thuận tay, sau đó, xoay cán vợt thật nhanh để tạo thành kiểu cầm cán búa và siết chặt tay cầm để thực hiện cú đánh cầu.

Cách cầm vợt kiểu cán búa/ Hammer grip/Panhandle grip
Cách cầm vợt kiểu cán búa/ Hammer grip/Panhandle grip (Nguồn: Internet)

Cách cầm vợt kiểu cán búa phù hợp với các cú đánh:

  • Cú đánh đập nhảy
  • Cú đánh trái tay muộn về phía sau
  • Cú đánh lấy dây lưới ở phía bên trái tay
  • Cú đánh giết lưới hoặc dẫn cầu

Để có thể dễ dàng theo dõi cách cầm vợt này, bạn có thể tham khảo video sau: Badminton hammer grip – The panhandle grip tutorial

3.2. Cách cầm vợt khi tấn công nhảy đập cầu (Smash)

Kỹ thuật cầm vợt khi tấn công nhảy đập cầu (Smash) cũng tương tự với cách cầm vợt cầu lông thuận tay, tuy nhiên, cách cầm vợt này sẽ có một số bước cầm chi tiết hơn, giúp tăng lực tấn công và đánh cầu chính xác hơn. Cụ thể, để thực hiện cách cầm vợt khi tấn công nhảy đập cầu (Smash), bạn cần:

  • Đặt ngón tay cái ở vị trí sao cho bạn có thể tạo lực đập tốt và giữ vợt chắc chắn.
  • Ba ngón còn lại nắm tự nhiên ở phần dưới của ngón trỏ (cách ngón trỏ khoảng 1 cm).
  • Cầm vợt một cách thoải mái, không nên cầm quá chặt để điều khiển vợt linh hoạt và tránh chấn thương.
Cách cầm vợt cầu lông khi đập/Smash
Cách cầm vợt khi tấn công nhảy đập cầu/Smash (Nguồn: Internet)

Đây là cách cầm vợt nâng cao, phù hợp với những cú đánh dứt điểm. Do đó, nếu muốn thành thạo kỹ thuật đập cầm vợt khi nhảy Smash, bạn phải luyện tập thường xuyên để có thể nâng cao kỹ năng này.

3.3. Cách cầm vợt xiên góc (Bevel Grip)

Để thực hiện cách cầm vợt xiên góc (Bevel Grip), bạn cần bắt đầu với cách cầm vợt trái tay và xoay đầu vợt sao cho các dây vợt hướng chéo và ngón cái của bạn nằm trên gờ tay cầm vợt. 

*Lưu ý:

  • Bạn có thể linh hoạt di chuyển ngón cái tại nhiều vị trí khác nhau, tùy thuộc vào vị trí tiếp xúc với quả cầu ở phía trái tay  của mình.
  • Nếu quả cầu ngang tầm với bạn hoặc ở phía trước, bạn nên sử dụng cách cầm vợt trái tay.
  • Nếu quả cầu ở phía sau bạn (giống như khi thực hiện cú đánh trái tay ở sân sau), bạn nên cầm vợt xiên với ngón cái của mình, để bạn có thể thực hiện được cú đánh chính xác và mạnh mẽ từ vị trí này.
Cách cầm vợt xiên góc/Bevel Grip
Cách cầm vợt xiên góc/Bevel Grip (Decathlon)

Cách cầm vợt xiên góc (Bevel Grip) thường được sử dụng các cú đánh như:

  • Các cú đánh trái tay ở sân sau (đánh cao, đánh ngắn và smash)
  • Một số cú đánh lưới thuận tay và trái tay (tùy thuộc vào vị trí của bạn)
  • Một số tình huống phòng thủ đơn nếu bạn thực sự bị kéo căng

Ngoài ra để có thể hình dung rõ hơn về cách cầm vợt xiên góc, bạn có thể tham khảo đoạn video (1:40 – 2:32): The 4 Grips In Badminton + Learn The Correct Grip For Every Shot!

4. 5 cách cầm vợt cầu lông sai cần tránh

Trong quá trình tập chơi cầu lông, việc bạn bị bối rối và không duy trì được cách cầm vợt đúng cách là điều rất bình thường. Bạn chỉ cần cố gắng tập luyện nhiều lần và ghi nhớ một số cách cầm vợt sai kỹ thuật để tránh mắc phải trong quá quá trình luyện tập. Một số cách cầm vợt sai mà bạn cần tránh như:

  • Đặt ngón cái che một/ nhiều ngón tay còn lại: Bạn không nên đặt ngón cái che khuất bất kỳ ngón tay nào khác vì điều này sẽ hạn chế chuyển động của vợt, khiến vợt di chuyển ít hoặc hoàn toàn không di chuyển.
  • Duỗi thẳng ngón trỏ: Bạn không nên duỗi thẳng ngón trỏ vì việc này có thể dẫn đến chấn thương. Do đó, bạn cần phải ghi nhớ, luôn để ngón trỏ uốn cong và ôm vào cán vợt một cách tự nhiên.
  • Cầm vợt quá chặt: Bạn cũng không nên cầm vợt quá chặt. Nếu làm vậy, bạn sẽ không thể thay đổi cách cầm nắm của mình kịp thời và bạn chỉ nên siết chặt tay cầm khi bạn chuẩn bị đánh cầu.
  • Cầm cán vợt trong lòng bàn tay: Bạn không nên cầm cán vợt trong lòng bàn tay mà phải sử dụng ngón tay của mình để cầm chắc cán vợt.
  • Cầm vợt quá sâu: Bạn không nên để phần đế của tay cầm nằm ở cuối lòng bàn tay (cầm vợt quá sâu), bởi chúng sẽ hạn chế lực đánh cầu của bạn.
  • Sử dụng ngón cái và ngón trỏ để giữ vợt: Bạn không nên sử dụng ngón cái và ngón trỏ để giữ vợt, mà chỉ cần sử dụng chúng để điều khiển vợt. Hai ngón tay cuối (ngón út và áp út) nên tựa thoải mái vào cán vợt để cân bằng trọng lượng của vợt. Điều này sẽ giúp cổ tay của bạn linh hoạt hơn và di chuyển tự do hơn.
5 cách cầm vợt cầu lông sai cần tránh để có thể chơi cầu lông tốt hơn
5 cách cầm vợt cầu lông sai cần tránh để có thể chơi cầu lông tốt hơn (Decathlon)

5. Hướng dẫn luyện thay đổi linh hoạt cách cầm vợt

Việc thay đổi cách cầm vợt nhanh là vô cùng quan trọng, giúp bạn có thể thực hiện các cú đánh khác nhau một cách nhanh chóng và chính xác. Điều này đặc biệt quan trọng trong các tình huống đối phương tung cầu bất ngờ hoặc người chơi cần thay đổi cách đánh để phù hợp với tình hình trận đấu.

Một số trường hợp mà bạn nên thay đổi linh hoạt cách cầm vợt:

  • Khi đối phương tung cầu bất ngờ: Bạn cần thay đổi cách cầm vợt nhanh chóng để thực hiện cú đánh phù hợp. Chẳng hạn, nếu đối phương tung cầu ở phía sau, bạn cần nhanh chóng chuyển từ cách cầm vợt thuận tay sang cách cầm vợt trái tay để thực hiện cú đánh.
  • Khi cần thay đổi cách đánh để phù hợp với tình hình trận đấu: Bạn có thể thay đổi cách đánh để phù hợp với tình hình trận đấu. Ví dụ, nếu đối thủ đang chơi phòng thủ, bạn có thể cần thay đổi sang lối chơi tấn công và thực hiện các cú đánh mạnh mẽ hơn.
  • Khi cần thực hiện các cú đánh đặc biệt: Có một số cú đánh đặc biệt trong cầu lông đòi hỏi người chơi phải sử dụng cách cầm vợt khác nhau. Ví dụ, cú đánh Smash đòi hỏi người chơi phải sử dụng cách cầm vợt thuận tay hoặc trái tay linh hoạt.

Một mẹo để thay đổi linh hoạt cách cầm vợt cầu lông là bạn cần phải nắm vợt lỏng tay, chủ yếu sử dụng ngón cái và ngón trỏ để điều chỉnh vị trí của vợt và lăn nó trong tay bạn. Sau đó, bạn có thể sử dụng các ngón tay còn lại để kiểm soát và hỗ trợ việc đổi cách cầm vợt. Nếu giữ quá chặt, bạn sẽ không thể thay đổi cách cầm vợt linh hoạt.

Bạn không nên cầm vợt quá chặt tay
Bạn không nên cầm vợt quá chặt tay để có thể thay đổi cách cầm chúng một cách thuận tiện (Decathlon)

Việc có thể thay đổi cách cầm vợt linh hoạt sẽ chỉ đến từ việc luyện tập. Dưới đây là 7 cấp độ/lộ trình luyện tập:

  • Cấp độ 1 – Luyện tập mà không cần cầu: Bạn chuyển đổi giữa cách cầm thuận tay và trái tay nắm trong các cú đánh lưới hoặc phòng thủ. Lúc đầu, bạn có thể làm chậm để quen dần với động tác và sau đó tăng dần tốc độ lên. Lưu ý, bạn nên sử dụng ngón trỏ và ngón cái trong một tư thế thoải mái. Bạn nên thực hiện khoảng 20 lần và lặp lại khoảng 2 – 3 lần.
  • Cấp độ 2 – Luyện tập với cây vợt nặng hơn: Cấp độ này sẽ giúp bạn cải thiện sức mạnh của ngón tay, cổ tay và độ bền tổng thể khi bạn thay đổi tay cầm. Bạn nên thực hiện khoảng 20 lần và lặp lại khoảng 2 – 3 lần.
  • Cấp độ 3 – Kết hợp đánh bóng thuận tay không có cầu và đánh bóng trái tay có cầu: Khi luyện tập cách cầm vợt như vậy, bạn sẽ làm quen được với tốc độ thay đổi tay cầm sao cho linh hoạt và nhanh chóng nhất.
  • Cấp độ 4 – Thực hiện đánh đa dạng với đánh cầu thuận tay và trái tay đều có cầu: Bạn có thể bắt đầu chậm và dần dần tăng mức độ nhanh lên. Nhờ vậy, bạn tăng độ phản xạ, có thể thay đổi tay cầm dù ở bất kỳ vị trí nào.
  • Cấp độ 5 – Đánh bóng ngẫu nhiên: Tương tự như cấp độ 4 nhưng tại cấp độ này, bạn sẽ thực hiện đánh bóng ngẫu nhiên, nhằm giúp bạn thích nghi nhanh hơn với một trận đấu thực tế.
  • Cấp độ 6 – Sử dụng một quả cầu duy nhất để thực hành nhiều cú đánh và động tác khác nhau: Bạn có thể thực hiện một cú đánh phòng thủ trái tay, sau đó là một cú đánh phòng thủ thuận tay. Hoặc một cú đánh trái tay, sau đó là một cú đánh thuận tay. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện những động tác này với một bức tường cách bạn 2-3 m nếu không có ai để luyện tập cùng.
  • Cấp độ 7: Đánh cầu ngẫu nhiên: Bài tập  này sẽ giúp bạn thực hiện những thao tác thay đổi cách cầm vợt nhanh chóng cũng như quyết định khi nào bạn cần thay đổi cách cầm vợt của mình. Bạn có thể được thực hiện bài tập tại một bên sân hoặc giữa sân, cầu sẽ được đánh ngẫu nhiên từ nhiều phía để giúp tạo cho bạn phản xạ nhanh chóng.
Thành thạo cách thay đổi cách cầm vợt cầu lông
Thành thạo cách thay đổi cách cầm vợt sẽ giúp bạn thực hiện các cú đánh khác nhau một cách nhanh chóng và chính xác (Decathlon)

Để có thể hiểu hơn về cách luyện tập này, bạn có thể tham khảo video sau: How To Change Between Grips In Badminton!

Trên đây là 6 cách cầm vợt cầu lông đúng kỹ thuật từ cơ bản đến nâng cao gồm: cầm vợt thuận tay, cầm vợt trái tay, cầm vợt kiểu cán búa,… và các bước luyện tập thay đổi tay cầm vợt linh hoạt. Nếu bạn thấy những thông tin trên là hữu ích, đừng chần chừ mà hãy bắt tay vào quá trình luyện tập ngay nhé!

Nov-Dec Decablog

Black Friday Pop Up