• Blog Oct 2024

[Hướng dẫn] Cách chơi bóng rổ CHUẨN KỸ THUẬT cho người mới

Bóng rổ là bộ môn thể thao đề cao tính đồng đội. Trên sân đấu, hai đội sẽ đối đầu nhau với mục tiêu chung là ghi điểm bằng cách ném bóng vào rổ được đặt ở độ cao 3,5, từ mặt đất. Cách chơi bóng rổ không khó và để bắt đầu, người chơi cần người chơi hiểu các nguyên tắc và kỹ thuật cơ bản.

1. 4 điều cơ bản trước khi chơi bóng rổ

Trước khi đi vào kỹ thuật chơi bóng rổ, bạn cần tìm hiểu khái quát về luật chơi, vị trí chơi, các nguyên tắc về thời gian thi đấu, số người trong đội thi đấu bóng rổ.

1.1. Luật chơi bóng rổ cơ bản

Để chơi bóng rổ, người chơi cần nắm vững các luật chơi cơ bản. Decathlon đã có một bài viết chuyên sâu về các luật này, bạn có thể tham khảo: Luật chơi bóng rổ

Dưới đây là khái quát 6 luật trong môn bóng rổ mà người chơi phải tuân thủ để tránh mất điểm:

Hạng mục Quy định
Luật dẫn bóng rổKhi cầu thủ đã khống chế bóng thành công, cầu thủ chỉ được phép chuyền hoặc ném bóng vào rổ.
Luật 3 giâyThời gian kiểm soát bóng sống trong khu vực của đối thủ không vượt quá 3 giây
Luật 5 giâyCầu thủ đang cầm bóng mà bị đối thủ kèm sát (cách 1m) phải thực hiện đường truyền trong vòng 5 giây.
Luật 8 giâyKhi đội có quyền kiểm soát bóng (ví dụ: sau khi lấy được bóng từ đối phương hoặc sau khi đối phương ghi điểm), họ phải đưa bóng qua giữa sân (vạch giữa) trong vòng 8 giây.
Luật 24 giâyCầu thủ được phép giữ bóng trong vòng tối đa 24 giây.
Luật ghi điểm

Các trường hợp cầu thủ ghi điểm:

  • Bóng sống ném vào trong rổ từ bên trên.
  • Bóng nằm trong hoặc dưới vành rổ.
  • Để chơi bóng rổ, người chơi cần nắm vững các luật chơi cơ bản
    Để chơi bóng rổ, người chơi cần nắm vững các luật chơi cơ bản (Nguồn: Internet)

    1.2. Quy định về đội thi đấu bóng rổ

    Có 2 hình thức thi đấu bóng rổ được biết đến rộng rãi là:

    • Bóng rổ đường phố 3×3: Mỗi đội có 3 người, 2 đội chơi trên cùng một sân và chỉ có 1 rổ. Đây là một hình thức nhanh chóng và thú vị, thường được tổ chức tại các giải đấu đường phố hoặc sân trường.
    • Bóng rổ thi đấu chuyên nghiệp 5×5: Mỗi đội có 5 người, 2 đội thi đấu trên sân với 2 rổ. Trận đấu này thường kéo dài hơn và yêu cầu sự phối hợp và chiến thuật giữa các thành viên. Trên sân ngoài 10 cầu thủ thi đấu còn có 3 trọng tài để đảm bảo tính công bằng và tuân thủ luật lệ.
    Trận đấu bóng rổ 3×3
    Trận đấu bóng rổ 3×3 (Nguồn: Internet)Trận đấu bóng rổ 3×3 (Nguồn: Internet)

    1.3. Vị trí trong bóng rổ

    Sau đây là 5 vị trí trong bóng rổ và các nhiệm vụ chính:

    Vị trí

    Nhiệm vụ

    Center (C) – Trung phong

    • Ghi điểm gần rổ

    • Bắt bóng bật bảng

    • Phòng thủ khu vực dưới rổ

    • Chặn cú ném của đối phương.

    Point Guard (PG) – Hậu vệ dẫn bóng

    • Tổ chức tấn công hoặc điều phối bóng
    • Dẫn bóng lên phần sân đối thủ

    • Kiến tạo cho đồng đội

    • Tự mình ghi điểm khi có cơ hội

    Power Forward (PF) – Tiền phong chính

    • Ghi điểm ở vị trí gần rổ

    • Bắt bóng bật bảng

    • Hỗ trợ trung phong khi tấn công hoặc phòng thủ (chủ yếu phòng thủ ở khu vực dưới rổ).

    Shooting Guard (SG) – Hậu vệ ghi điểm

    • Vị trí ghi điểm chính của đội bóng

    • Ném rổ từ tầm xa hoặc tầm trung.

    • Di chuyển khắp mặt sân để tìm kiếm khoảng trống.

    Small Forward (SF) – Tiền phong phụ

    • Ghi điểm ở vị trí các cánh, góc sân

    • Bắt bóng bật bảng

    • Phòng thủ ở nhiều vị trí

    Để hiểu kỹ hơn về 5 vị trí truyền thống trong bóng rổ và các vị trí phi truyền thống, bạn có thể tham khảo bài viết sau đây: Các vị trí trong bóng rổ 5×5: VAI TRÒ & KỸ NĂNG cần có

    Môn bóng rổ có 5 vị trí thi đấu chính thức
    Môn bóng rổ có 5 vị trí thi đấu chính thức (Nguồn: Internet)

    1.4. Thời gian thi đấu bóng rổ

    Thời gian thi đấu và thời gian nghỉ giữa các hiệp đấu trong môn bóng rổ được quy định trong bảng sau đây:

    Quy địnhThời gian
    Số hiệp4 hiệp
    Thời gian mỗi hiệp chính10 phút
    Thời gian nghỉ giữa hiệp 1 – 22 phút
    Thời gian nghỉ giữa hiệp 2 – 315 phút
    Thời gian nghỉ giữa hiệp 3 – 42 phút
    Thời gian hiệp phụ2 phút

    Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về thời gian thi đấu trong bóng rổ, bạn có thể đọc một bài viết chuyên sâu của Decalthon: Bóng rổ có mấy hiệp?

    Môn bóng rổ có 4 hiệp với thời gian thi đấu các hiệp chính là 10 phút/hiệp đấu
    Môn bóng rổ có 4 hiệp với thời gian thi đấu các hiệp chính là 10 phút/hiệp đấu (Nguồn: Internet)

    2. 2 kỹ thuật đập bóng

    Đập bóng là kỹ thuật cơ bản nhưng đặc biệt quan trọng mà bất kỳ người chơi bóng rổ nào đều cần phải tập luyện thành thạo. Nắm được kỹ thuật đập bóng giúp người chơi kiểm soát bóng tốt hơn, đặc biệt hữu ích với người mới chơi bóng rổ.

    Kỹ thuật đập bóng được chia làm 2 loại chính là: Kỹ thuật đập bóng tại chỗ kỹ thuật đập bóng chữ V tại chỗ.

    Để thực hiện tốt kỹ thuật đập bóng, trước hết người chơi cần chú ý một vài lưu ý chung sau đây:

    • Khi đập bóng, bạn chỉ di chuyển cổ tay lên xuống chứ không di chuyển cả cánh tay.
    • Khi đã thành thục, bạn hãy tập luyện thêm kỹ năng đập bóng mà không nhìn vào bóng. Trong trận đấu trực tiếp, bạn phải quan sát đối thủ liên tục cũng tìm kiếm đồng đội chuyền bóng chứ không chỉ nhìn chằm chằm vào quả bóng.
    • Trong quá trình đập bóng, bạn nên khuỵu gối để hạ thấp trọng tâm cơ thể. Chú ý không để đầu gối che mất các ngón chân.
    • Bạn nên luyện tập kỹ thuật đập bóng dưới thắt lưng bởi điều này sẽ giúp bóng ở xa tầm tay của đối thủ.

    Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về 2 kỹ thuật này.

    2.1. Kỹ thuật đập bóng tại chỗ

    Kỹ thuật đập bóng rổ tại chỗ thường là kỹ thuật đầu tiên mà người chơi được học khi bắt đầu tiếp xúc với môn bóng rổ. Kỹ thuật này yêu cầu mắt, chân và tay của người chơi phối hợp nhịp nhàng.

    Người chơi thực hiện kỹ thuật đập bóng tại chỗ theo hướng dẫn sau đây:

    • Đầu tiên, bạn cầm bóng và đứng thẳng, chân thuận hơi bước lên trước một chút. Đầu gối khuỵu nhẹ, cơ thể nghiêng về phía trước.
    • Sau đó, bạn thả bóng xuống đất (thả bóng theo phương thẳng đứng). Khi bóng nảy lên, bạn úp lòng bàn tay để đập bóng trở lại mặt sân.
    • Người mới chơi có thể thực hiện liên tục động tác này, đảm bảo đường bóng luôn đi thẳng. Tập luyện đập bóng cả tay thuận và tay không thuận cho đến khi thuần thục.
    Kỹ thuật đập bóng rổ tại chỗ thường là kỹ thuật đầu tiên mà người chơi được học khi bắt đầu tiếp xúc với môn bóng rổ
    Kỹ thuật đập bóng rổ tại chỗ thường là kỹ thuật đầu tiên mà người chơi được học khi bắt đầu tiếp xúc với môn bóng rổ (Nguồn: Internet)

    2.2. Kỹ thuật đập bóng chữ V tại chỗ

    Bên cạnh kỹ thuật đập bóng tại chỗ thuần tuý tại chỗ, kỹ thuật đập bóng chữ V nổi bật như một vũ điệu đầy mê hoặc trên sân bóng rổ. Với độ khó cao hơn, kỹ thuật này mang đến khả năng lừa bóng tinh vi, giúp bạn vượt qua đối thủ một cách ngoạn mục.

    Người chơi thực hiện kỹ thuật đập bóng chữ V tại chỗ theo hướng dẫn sau:

    • Tư thế: Hai chân rộng bằng vai, hơi khuỵu gối, hai tay đưa về phía trước ngang hông, tầm mắt hơi cúi xuống.
    • Thả bóng: Giữ bóng bằng một tay, nhẹ nhàng thả xuống và điều chỉnh lực để tạo quỹ đạo hình chữ V đầy nghệ thuật.
    • Đập bóng: Khi bóng nảy lên, dùng tay còn lại đập bóng theo quỹ đạo chữ V đã định hình. Tiếp tục luân phiên đập bóng bằng hai tay, tạo nên những đường bóng chữ V nhịp nhàng và đầy biến ảo.
    Kỹ thuật đập bóng chữ V tại chỗ sẽ có cách thực hiện phức tạp hơn kỹ thuật đập bóng thông thường
    Kỹ thuật đập bóng chữ V tại chỗ sẽ có cách thực hiện phức tạp hơn kỹ thuật đập bóng thông thường (Nguồn: Internet)

    3. 3 kỹ thuật chuyền bóng

    Chuyền bóng chính xác đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo dựng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cầu thủ trên sân. Kỹ năng này không chỉ giúp triển khai chiến thuật hiệu quả mà còn góp phần tạo nên những pha bóng đẹp mắt, khẳng định đẳng cấp của một đội bóng.

    Để có kỹ năng chuyền bóng tốt, người chơi nên lưu ý một số điều sau đây:

    • Nắm bắt thời cơ tấn công: Sau khi bắt bóng, người chơi cần thực hiện động tác chuẩn bị chuyền bóng nhanh chóng, không để lỡ nhịp tấn công. Tốc độ và sự quyết đoán trong việc chuyền bóng là yếu tố then chốt để tạo bất ngờ và áp đảo đối phương.
    • Kỹ thuật chuyền bóng hiệu quả: Lực cổ tay và ngón tay đóng vai trò chủ đạo trong việc điều khiển hướng và tốc độ của đường chuyền. Sức mạnh của cánh tay và thân người hỗ trợ tạo nên lực đẩy và độ chính xác cho đường chuyền.
    • Linh hoạt trong từng tình huống: Tùy thuộc vào vị trí và tốc độ di chuyển của đồng đội mà điều chỉnh lực, tốc độ và hướng chuyền phù hợp.

    3.1. Kỹ thuật chuyền bóng rổ ngang ngực (Chest Pass)

    Kỹ thuật Chest Pass (chuyền bóng ngang ngực) cho phép chuyền bóng nhanh và chính xác cho đồng đội ở khoảng cách gần hoặc trung bình, đặc biệt hiệu quả khi đối phương không kèm chặt.

    Kỹ thuật Chest Pass được sử dụng thường xuyên trong thi đấu bóng rổ, đặc biệt trong các tình huống sau:

    • Chuyền bóng nhanh để phản công.
    • Chuyền bóng cho đồng đội để ghi điểm.
    • Tạo khoảng trống và phá vỡ thế phòng thủ của đối phương.

    1 – Tư thế chuẩn bị

    Người chơi có thể đứng chân trước chân sau hoặc hai chân song song và rộng bằng vai. Bóng cầm bằng hai tay và đặt ở vị trí ngang ngực.

    2 – Cách thực hiện

    • Đưa bóng ra phía trước: Bắt đầu bằng việc đưa bóng ra phía trước xuống dưới ngang hông, tạo thành một đường vòng cung nhỏ. Động tác này giúp tạo lực và độ chính xác cho đường chuyền.
    • Kéo bóng: Dùng lực từ cổ tay và các ngón tay để “kéo” bóng từ dưới lên trên, tạo độ xoáy cho đường chuyền.
    • Mở rộng hai vai và xoay cổ tay: Lúc này ngón trỏ sẽ hướng xuống dưới và người chơi có thể dễ dàng điều chỉnh hướng bóng và tốc độ của đường bóng.
    • Bước chân và đẩy bóng: Người chơi bước một chân lên trước, kết hợp với việc đẩy mạnh bóng thẳng về phía trước. Lực đẩy được tạo ra từ sự phối hợp nhịp nhàng của cổ tay, cánh tay và thân người.

    3 – Kết thúc động tác

    Cuối cùng, người chơi dồn trọng tâm cơ thể về phía trước, hai ngón tay cái hướng xuống dưới, lòng bàn tay hướng ra ngoài.

    Kỹ thuật Chest past cho phép chuyền bóng nhanh và chính xác cho đồng đội ở khoảng cách gần hay trung bình
    Kỹ thuật Chest past cho phép chuyền bóng nhanh và chính xác cho đồng đội ở khoảng cách gần hay trung bình (Nguồn: Internet)

    3.2. Kỹ thuật chuyền bóng rổ đập đất (Bounce Pass)

    Kỹ thuật Bounce Pass (chuyền bóng đập đất) thường được sử dụng ở cự ly gần và trung bình. Kỹ thuật này cho phép người chơi chuyền bóng vượt qua người phòng thủ để đến tay đồng đội một cách hiệu quả.

    Kỹ thuật Bounce Pass được sử dụng thường xuyên trong thi đấu bóng rổ, đặc biệt trong các tình huống sau:

    • Chuyền bóng vượt qua đối thủ đang phòng thủ.
    • Tạo khoảng trống và phá vỡ thế phòng thủ của đối phương.
    • Chuyền bóng cho đồng đội ở vị trí thuận lợi để ghi điểm.

    1 – Tư thế chuẩn bị

    Người chơi có thể đứng chân trước chân sau hoặc hai chân song song và rộng bằng vai. Bóng cầm bằng hai tay và đặt ở vị trí ngang ngực.

    • Cầm bóng chắc chắn: Mở rộng các ngón tay để kiểm soát bóng tốt hơn.
    • Bước chân lên: Chân thuận bước lên phía trước, người hơi cúi thấp để tạo lực đẩy cho đường chuyền.
    • Đẩy bóng: Dùng lực từ cổ tay và cánh tay đẩy bóng về phía trước với lực vừa đủ. Bóng nảy tại vị trí bằng ⅔ khoảng cách giữa người chuyền bóng và người nhận bóng.
    • Kết thúc động tác: Giữ nguyên tư thế hai bàn tay và ngón tay hướng xuống đất sau khi chuyền bóng.
    Kỹ thuật Bounce Pass (chuyền bóng đập đất) thường được sử dụng ở cự ly gần và trung bình
    Kỹ thuật Bounce Pass (chuyền bóng đập đất) thường được sử dụng ở cự ly gần và trung bình (Nguồn: Internet)

    3.3. Kỹ thuật chuyền bóng rổ qua đầu (Overhead Pass)

    Kỹ thuật chuyền bóng sau đầu giúp người nhận bóng dễ dàng nhìn thấy đường chuyền hơn. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong các tình huống như: chuyền bóng qua đầu hậu vệ, chuyền xa hoặc chuyền cho vị trí trung phong.

    Kỹ thuật Overhead Pass được sử dụng thường xuyên trong thi đấu bóng rổ, đặc biệt trong các tình huống sau:

    • Chuyền bóng vượt qua đối phương đang áp sát.
    • Chuyền bóng xa cho đồng đội ở vị trí thuận lợi.
    • Chuyền bóng cho vị trí trung phong trong khu vực dưới rổ.

    Tư thế chuẩn bị:  Người chơi có thể đứng chân trước chân sau hoặc hai chân song song và rộng bằng vai. 

    Cách thực hiện:

    • Bước chân lên: Người chơi bước chân phải hoặc chân trái lên trên. Hai tay cầm chắc bóng và đưa bóng ra sau đầu.
    • Nâng bóng: Sau đó, người chơi dùng lực của thân người kết hợp với lực của cánh tay chuyển sang cẳng tay sau đó kết thúc ở các đầu ngón tay để chuyền bóng về phía trước. Kỹ thuật thực hiện gần giống như động tác ném biên trong môn bóng đá.
    • Kết thúc động tác: Các ngón tay của người chơi hướng về phía trước, lòng bàn tay hướng xuống đất. Mục tiêu hướng đến của đường chuyền bóng này là phía trước ngực hay trước mặt của đồng đội nhận bóng.
    Kỹ thuật chuyền bóng sau đầu giúp người nhận bóng dễ dàng nhìn thấy đường chuyền hơn
    Kỹ thuật chuyền bóng sau đầu giúp người nhận bóng dễ dàng nhìn thấy đường chuyền hơn (Nguồn: Internet)

    4. Kỹ thuật chạy dẫn bóng

    Trong thi đấu bóng rổ, cầu thủ sử dụng các kỹ thuật dẫn bóng rổ (cao tay, thấp tay, tại chỗ và di chuyển) để thoát khỏi sự truy cản của đối phương. 

    4.1. Luật dẫn bóng

    Để đảm bảo tính công bằng và an toàn trong thi đấu, luật bóng rổ quy định một số điều khoản về việc dẫn bóng. Theo đó, các cầu thủ bóng rổ sẽ không được phép:

    • Dùng hai tay liên tục để dẫn bóng.
    • Đánh bóng liên tục lên cao.
    • Ngửa tay đón bóng rồi tiếp tục dẫn bóng.
    • Giữ bóng trong lòng bàn tay.

    Vi phạm luật dẫn bóng sẽ dẫn đến lỗi và đối phương sẽ được hưởng bóng. Đối thủ sẽ được phát bóng biên ở vị trí gần lỗi nhất

    4.2. Tư thế dẫn bóng rổ

    Tư thế dẫn bóng chính xác là nền tảng để thực hiện kỹ thuật này một cách hiệu quả. Để dẫn bóng tốt, cầu thủ trên sân cần chú ý:

    • Hạ thấp trọng tâm, khuỵu gối, thân hơi nghiêng về phía có bóng.
    • Mắt hướng về phía trước, quan sát xung quanh để đánh giá tình huống.
    • Hai bàn tay xòe rộng, ngón tay thoải mái, sẵn sàng tiếp xúc với bóng.

    4.3. Cách thực hiện dẫn bóng cơ bản

    Sau đây là hướng dẫn cụ thể để thực hiện kỹ thuật dẫn bóng:

    • Người chơi dùng một tay để dẫn bóng, khuỷu tay làm trụ. Khi bóng nảy lên ngang thắt lưng thì dùng lực từ cổ tay và  ngón tay để điều khiển bóng nảy theo nhịp chạy.
    • Trái bóng sẽ tiếp xúc đầu tiên với ngón tay, sau đó đến các phần lồi của bàn tay. Lòng bàn tay không chạm bóng, điểm rơi bóng ở phía trước người và bên cạnh đường chạy.
    • Người chơi phải dùng thân người che chắn cho bóng, tránh bị đối phương cướp.
    Cầu thủ dẫn bóng trong trận đấu bóng rổ chuyên nghiệp
    Cầu thủ dẫn bóng trong trận đấu bóng rổ chuyên nghiệp (Nguồn: Internet)

    5. 3 kỹ thuật ném bóng cơ bản

    Bất kỳ vị trí nào trong đội nếu ném được bóng vào rổ của đối phương thì đều có thể ghi điểm. Vì thế, ném bóng là một kỹ năng quan trọng mà người chơi bóng rổ nào cũng phải nằm lòng.

    Sau đây là 3 kỹ thuật ném bóng cơ bản nhất thường được sử dụng trong các trận đấu chính thức:

    5.1. Kỹ thuật ném rổ bằng một tay trên vai

    Kỹ thuật ném rổ một tay trên vai là một kỹ năng thiết yếu trong bóng rổ, đóng vai trò then chốt trong việc ghi điểm hiệu quả từ cự ly trung bình và xa. Kỹ thuật này đặc biệt hữu ích trong các tình huống phản công hoặc khi bị đối phương áp sát, tạo nên lợi thế cạnh tranh và khả năng thích ứng linh hoạt trong trận đấu.

    1 – Tư thế chuẩn bị:

    • Vị trí: Đứng cách rổ ở cự ly phù hợp, thường là cự ly trung bình hoặc xa, để tối ưu hóa khả năng ghi điểm.
    • Chân: Hai chân rộng bằng vai, hướng về phía rổ, tạo sự cân bằng và hỗ trợ lực cho cú ném. Chân thuận đặt trước, đầu gối hơi khuỵu để tăng độ linh hoạt và dồn lực hiệu quả.
    • Tay: Tay thuận cầm bóng, đưa lên ngang vai với khuỷu tay hơi cong, tạo tư thế thoải mái và sẵn sàng cho động tác ném.
    • Mắt: Nhìn tập trung vào rổ, xác định vị trí chính xác và điều chỉnh hướng ném một cách chuẩn xác.

    Cách thực hiện kỹ thuật này như sau: 

    • Bật nhảy và đưa bóng lên cao: Người chơi dùng lực từ chân và hông phối hợp nhịp nhàng để bật nhảy lên cao, tạo đà cho cú ném uy lực. Đồng thời, đưa tay cầm bóng lên cao và ra trước mặt, phối hợp nhịp nhàng với động tác bật nhảy để tạo sự liền mạch.
    • Xoay cổ tay điều hướng bóng: Sau đó, người chơi xoay cổ tay vào trong một cách linh hoạt, tạo lực đẩy cho bóng theo hướng mong muốn. Dùng lực từ ngón tay trỏ, ngón giữa và ngón cái để đẩy bóng đi theo đường parabol chính xác vào rổ.
    • Dồn trọng tâm cơ thể về một phía: Người chơi sẽ vươn thẳng cơ thể về phía trước, dồn trọng tâm vào chân trước để tăng cường lực ném và sự ổn định.
    Để thực hiện kỹ thuật ném bóng 1 tay trên vai, bạn cần đứng cách rổ ở cự ly bóng xa hoặc trung bình
    Để thực hiện kỹ thuật ném bóng 1 tay trên vai, bạn cần đứng cách rổ ở cự ly bóng xa hoặc trung bình (Nguồn: Internet)

    5.2. Kỹ thuật ném rổ bằng hai tay trước ngực

    Kỹ thuật ném rổ hai tay trước ngực đóng vai trò quan trọng trong việc ghi điểm hiệu quả từ cự ly xa, đặc biệt hữu ích khi không có sự cản trở từ đối phương. Kỹ thuật này tuy đơn giản nhưng lại mang tính ứng dụng cao, giúp người chơi ghi điểm nhanh chóng và tạo lợi thế trong trận đấu.

    Cách thực hiện kỹ thuật này như sau:

    • Tư thế chuẩn bị: Người chơi đứng hai chân song song và rộng bằng vai. Hai chân của người chơi hơi khuỵu xuống, dồn trọng tâm cơ thể về phía trước để tạo đà cho bước bật nhảy.
    • Ôm bóng: Tiếp đó, người chơi sử dụng các ngón tay để cầm bóng. Hai ngón tay cái tạo thành hình chữ bát ở chính giữa quả bóng.
    • Ném bóng: Sau khi nhắm chuẩn xác vị trí rổ, người chơi thả lỏng cổ và sử dụng cẳng tay để ném bóng chính xác vào rổ.

    5.3. Kỹ thuật nhảy ném rổ một tay trên cao

    Kỹ thuật ném rổ một tay trên cao là một kỹ thuật hiệu quảphổ biến trong bóng rổ, thường được sử dụng trong các tình huống ném bóng gần rổ với tốc độ nhanh. Kỹ thuật này đòi hỏi người chơi có lực bật tốt và chiều cao nổi trội để tạo lợi thế ghi điểm trong trận đấu.

    Tư thế thực hiện như sau: 

    • Tư thế chuẩn bị: Người chơi đứng hai chân song song và rộng bằng vai. Hai chân của người chơi hơi khuỵu xuống, dồn trọng tâm cơ thể về phía trước để tạo đà cho bước bật nhảy.
    • Ném rổ: Từ vị trí gần rổ, bóng được đưa lên từ thắt lưng, luồn qua vai phải, tạo đà cho việc bật nhảy. Cánh tay phải vươn dài, hướng về phía rổ, cổ tay gập nhẹ, tạo điểm tiếp xúc hoàn hảo với quả bóng.
    Kỹ thuật ném rổ một tay trên cao
    Kỹ thuật ném rổ một tay trên cao (Nguồn: Internet)

    6. Kỹ thuật phòng thủ cơ bản

    Phòng thủ là một kỹ thuật quan trọng trong bóng rổ nhằm ngăn chặn đối phương tiếp cận khu vực khung rổ và làm trì hoãn các đợt tấn công của đối thủ. Hai kỹ thuật phòng thủ được sử dụng nhiều nhất trong bóng rổ là kỹ thuật phòng thủ 1 kèm 1 và kỹ thuật phòng thủ liên phòng.

    6.1. Phòng thủ 1 kèm 1

    Tư thế phòng thủ:

    • Người chơi cần hạ thấp trọng tâm cơ thể, hai tay dang rộng. Hai chân bước rộng hơn vai. 
    • Trong tư thế phòng thủ, người chơi đứng trực diện với người tấn công, khoảng cách tốt nhất là khoảng 70 – 100 cm.

    Vai của người phòng thủ luôn thấp hơn vai của người tấn công

    Bước trượt ngang phòng thủ:

    • Từ tư thế phòng thủ, nếu bạn di chuyển trượt ngang sang bên trái, mũi chân trái mở ra hướng về phía bên trái. Khoảng cách giữa hai chân luôn ít nhất là rộng bằng vai
    • Người chơi đạp mạnh chân phải để đưa thân người về phía bên trái, đồng thời chân trái phóng theo để di chuyển.
    • Trong quá trình trượt, vai người chơi luôn giữ nguyên cố định chứ không nhấp nhô.
    • Lưng thẳng, ưỡn ngực về phía trước và không ngại dùng ngực để va chạm với đối phương.
    • Một tay di chuyển theo bóng, một tay ngăn những đường chuyền bóng.
    Kỹ thuật phòng thủ 1 kèm 1
    Kỹ thuật phòng thủ 1 kèm 1 (Nguồn: Internet)

    6.2. Phòng thủ liên phòng

    Kỹ thuật phòng thủ liên phòng có nghĩa là từng cầu thủ sẽ phòng thủ theo từng khu vực được phân chia trên sân nhằm ngăn chặn đối phương tiếp cận.

    Cách thực hiện kỹ thuật: Khi bóng vào khu vực bạn có nhiệm vụ bảo vệ, bạn phải ngay lập tức bước lên áp sát đối thủ đang có bóng. Bạn cần cố gắng để ngăn cầu thủ tấn công của đối phương tấn công hoặc ném bóng với tỷ lệ chính xác thấp.

    Kỹ thuật phòng thủ liên phòng có nghĩa là từng cầu thủ sẽ phòng thủ theo từng khu vực được phân chia trên sân
    Kỹ thuật phòng thủ liên phòng có nghĩa là từng cầu thủ sẽ phòng thủ theo từng khu vực được phân chia trên sân (Nguồn: Internet)

    7. Kỹ thuật nhồi bóng

    Trong bóng rổ, nếu muốn di chuyển bóng qua hàng phòng ngự của đối thủ, người chơi phải tập nhồi bóng để kiểm soát bóng tốt hơn. Có 2 kỹ thuật nhồi bóng được sử dụng nhiều trong các trận đấu là: Kỹ thuật nhồi bóng cơ bản tại chỗ và kỹ thuật nhồi bóng qua người.

    7.1. Kỹ thuật nhồi bóng cơ bản tại chỗ

    Kỹ thuật nhồi bóng yêu tại chỗ cầu bạn cần tập luyện nhiều lần để cảm được bóng và sử dụng lực sao cho phù hợp. Bạn nên tập nhồi bóng với từng tay để tạo bước đầu cho quá trình tập luyện từng bước.

    Sau đây là hướng dẫn thực hiện động tác nhồi bóng tại chỗ:

    Tư thế chuẩn bị: Hai chân song song mở rộng bằng vai. Người chơi hạ thấp người, chùng gối và giữ thẳng lưng.

    Cách thực hiện:

    • Bước chân lên phía trước: Người chơi bước chân trái lên phía trước sao cho chân trái và chân phải nằm trên một đường thẳng, tạo đà cho động tác nhồi bóng.
    • Di chuyển và đẩy bóng: Người chơi sử dụng các ngón tay, đẩy bóng xuống sàn và điều khiển bóng giữ bóng không quá xa cơ thể để kiểm soát tốt hơn.
    • Nhồi bóng: Người chơi thực hiện nhồi bóng bằng phần chai tay, sử dụng lực từ cổ tay để tạo nên đường nhồi bóng mềm mại, uyển chuyển. Nhồi bóng tại chỗ bằng tay phải với tốc độ nhanh và lực mạnh, tạo sự đột biến và khả năng phản ứng nhanh nhạy.
    Bạn nên tập nhồi bóng tại chỗ với từng tay để tạo bước đầu cho quá trình tập luyện từng bước
    Bạn nên tập nhồi bóng tại chỗ với từng tay để tạo bước đầu cho quá trình tập luyện từng bước (Nguồn: Internet)

    7.2. Kỹ thuật nhồi bóng qua người

    Kỹ thuật nhồi bóng qua người là kỹ thuật nâng cao hơn so với kỹ thuật nhồi bóng tại chỗ. Để thực hiện thành thạo kỹ thuật này, người chơi cần tập luyện sau khi đã làm quen với kỹ thuật nhồi bóng tại chỗ. Ngoài ra, khi thực hành nhồi bóng qua người, người chơi cần có một bạn đồng hành hoặc tự tạo một vật cản trên sân.

    Dưới đây là hướng dẫn thực hiện động tác nhồi bóng tại chỗ:

    • Di chuyển dẫn bóng qua vật cản: Người chơi di chuyển bóng qua vật cản (có thể là người khác  hoặc một vật cản tạm thời trên sân). Trong quá trình di chuyển, người chơi vừa đập bóng bằng tay phải và chuyển qua tay trái.
    • Tập di chuyển theo hình chữ Z: Khi thực hiện, người chơi nên di chuyển theo hình chữ Z trên sân. Điều này giúp rèn luyện khả năng di chuyển linh hoạt và tạo sự bất ngờ cho đối phương.
    • Đổi tay nhồi bóng: Người chơi nên thay đổi tay nhồi bóng sau mỗi 4 lần nhồi. Điều này giúp cân bằng sự phát triển của cả hai tay và tăng tính đa dạng trong kỹ thuật.
    Lưu ý, để thực hành tập luyện nhồi bóng qua người, người chơi cần có bạn đồng hành hoặc tự tạo một vật cản trên sân
    Lưu ý, để thực hành tập luyện nhồi bóng qua người, người chơi cần có bạn đồng hành hoặc tự tạo một vật cản trên sân (Nguồn: Internet)

    8. Kỹ thuật bắt bóng bật bảng

    Kỹ thuật bắt bóng bật bảng là một trong những cách để làm chủ bóng, tạo cơ hội ghi điểm cho đồng đội và hạn chế khả năng ghi điểm của đối phương. Khi quả bóng vừa chạm và bảng rổ, người chơi cần nhanh chóng xác định hướng phân ra của bóng và vị trí của các cầu thủ khác trên sân.

    Sau đây là hướng dẫn thực hiện kỹ thuật bắt bóng bật bảng:

    • Tư thế chuẩn bị: Hai chân mở rộng bằng vai. Người chơi hạ thấp người, chùng gối và giữ thẳng lưng.
    • Cách thực hiện: Khi bóng vừa chạm bảng, người chơi sẽ không để bóng bật ra và rơi xuống đất. Bạn cần nhanh chóng nhảy lên và bắt lấy bóng.

    Kỹ thuật bắt bóng bật bảng là một trong những cách để làm chủ bóng, tạo cơ hội ghi điểm cho đồng đội (Nguồn: Internet)

    9. 3 kỹ thuật di chuyển cơ bản trong bóng rổ

    Các động tác di chuyển trong bóng rổ nhằm giúp người chơi chọn vị trí, thoát khỏi sự theo kèm của đối thủ, dẫn bóng lôi kéo đối thủ để tạo khoảng trống cho đồng đội thực hiện nhiệm vụ tấn công.

    Sau đây là hướng dẫn 2 kỹ thuật di chuyển cơ bản nhất trong bóng rổ:

    9.1. Kỹ thuật di chuyển đi bộ

    Kỹ thuật di chuyển đi bộ tuy đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật bóng rổ. Nhờ kỹ thuật này, người chơi có thể thay đổi vị trí linh hoạt trong thời gian ngắn, tạo điều kiện cho các pha tấn công hiệu quả hoặc giảm nhịp độ trận đấu khi cần thiết.

    Đi bộ trong bóng rổ có điểm tương đồng với đi bộ thông thường. Tuy nhiên, để tạo sự linh hoạt và sẵn sàng cho các tình huống bất ngờ, người chơi cần lưu ý giữ đầu gối luôn co lại trong khi di chuyển.

    Kỹ thuật di chuyển đi bộ tuy đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật bóng rổ
    Kỹ thuật di chuyển đi bộ tuy đơn giản nhưng đóng vai trò quan trọng trong chiến thuật bóng rổ (Nguồn: Internet)

    9.2. Kỹ thuật di chuyển chạy

    Chạy là kỹ thuật di chuyển được sử dụng nhiều nhất trong các trận đấu. Chạy trong môn bóng rổ có sự khác biệt lớn so với chạy trong môn điền kinh bởi người chơi luôn phải sẵn sàng quan sát để đổi hướng và tăng tốc.

    Chạy trong bóng rổ được phân loại thành nhiều kỹ thuật nhỏ:

    1 – Chạy tự nhiên

    Đây là kỹ thuật cơ bản nhất, được sử dụng trong cả tấn công và phòng ngự. Kỹ thuật này không đòi hỏi tốc độ cao, mà chú trọng vào sự di chuyển mượt mà, nhịp nhàng, tạo sự cân bằng và kiểm soát tốt.

    Cách thực hiện:

    • Tư thế: Hai chân người chơi đặt trên mặt đất, hai đầu gối khụy xuống tự nhiên, hai khuỷu tay gập lại tạo đà hỗ trợ việc chạy.
    • Di chuyển: Khi di chuyển, người chơi luôn cần quan sát tình hình trên sân để chạy chỗ hợp lý.

    2 – Chạy tốc biến

    Kỹ thuật này giúp cầu thủ tăng tốc đột ngột, tạo bất ngờ cho đối thủ, phục vụ cho mục đích tấn công nhanh hoặc thoát khỏi sự kèm cặp. Tốc độ và sự dồn dập là điểm nhấn của kỹ thuật này.

    Cách thực hiện:

    • Tăng tốc: Khi muốn tăng tốc độ đột phá, người chơi dùng sức đạp của nửa trên hai bàn chân về hướng sau, thực hiện 4 – 5 bước đầu tiên ngắn nhưng nhanh.
    • Giảm tốc: Khi muốn giảm tốc độ chạy, người chơi chân bước dài, người hơi ngả về phía sau, hai tay thả lỏng..

    3 – Chạy biến hướng

    Kỹ thuật này giúp cầu thủ thay đổi hướng di chuyển bất ngờ, qua đó thoát khỏi sự kèm cặp của đối thủ. Bí quyết thành công nằm ở động tác xoay người linh hoạt, kết hợp với tốc độ và khả năng che giấu ý đồ.

    Cách thực hiện:

    • Đổi hướng: Người chơi sử dụng chân nghịch với hướng muốn di chuyển đạp xuống đất, sau đó xoay cả thân người về hướng đó.
    • Thay đổi tốc độ: Người chơi cần giấu ý định trước khi thực hiện, tốc độ chậm trước khi đổi hướng, sau đó tăng tốc nhanh.

    4 – Chạy nghiêng

    Kỹ thuật này giúp cầu thủ di chuyển sang ngang một cách nhanh chóng, tạo cơ hội qua người hoặc thoát khỏi sự theo kèm của đối thủ. Kỹ thuật này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa tay, chân và trọng tâm cơ thể.

    Cách thực hiện:

    • Động tác: Giống như chạy tự nhiên.
    • Chú ý quan sát: Hai mũi chân người chơi hướng về phía cần di chuyển, thân trên và mặt vẫn quay về phía có bóng để quan sát.
    Chạy trong môn bóng rổ có sự khác biệt lớn so với chạy trong môn điền kinh bởi người chơi luôn phải sẵn sàng quan sát để đổi hướng và tăng tốc
    Chạy trong môn bóng rổ có sự khác biệt lớn so với chạy trong môn điền kinh bởi người chơi luôn phải sẵn sàng quan sát để đổi hướng và tăng tốc (Nguồn: Internet)

    9.3. Kỹ thuật di chuyển dừng

    Di chuyển dừng trong bóng rổ có nghĩa là người chơi đang chạy thì dừng lại đột ngột. Điều này giúp người chơi thoát khỏi sự theo kèm của đối thủ hoặc đánh lạc hướng đối phương trong các tình huống phòng ngự.

    Có 2 cách di chuyển dừng là: Di chuyển dừng 2 bước và di chuyển nhảy dừng.

    1 – Kỹ thuật di chuyển dừng 2 bước

    Mục đích: Cách dừng 2 bước được cầu thủ sử dụng khi tốc độ di chuyển nhanh.

    Hướng dẫn cách dừng 2 bước khi đang di chuyển

    • Bước 1: Đặt gót chân và xoay ra phía ngoài so với hướng chạy, trọng tâm hạ thấp.
    • Bước 2: Miết bàn chân xuống đất để giảm tốc độ, người xoay chếch theo mũi bàn chân của bước thứ nhất.

    2 – Kỹ thuật di chuyển nhảy dừng

    Mục đích: Cách nhảy dừng trong bóng rổ được cầu thủ áp dụng khi tốc độ di chuyển vừa phải.

    Hướng dẫn cách di chuyển nhảy dừng

    • Bước 1: Khi đang chạy muốn dừng lại thì dùng một chân đạp đất để nhảy lên không, thân trên hơi ngả sau.
    • Bước 2: Khi rơi xuống hai chân cùng một lúc hoặc lần lượt chạm đất.
    • Bước 3: Khi chạm đất người hơi ngả về phía sau, 2 chân khuỵu dùng mép bàn chân miết xuống đất.
    Di chuyển dừng trong bóng rổ có nghĩa là người chơi đang chạy thì dừng lại đột ngột
    Di chuyển dừng trong bóng rổ có nghĩa là người chơi đang chạy thì dừng lại đột ngột (Nguồn: Internet)

    10. 5 kinh nghiệm giúp bạn nâng cao kỹ năng chơi bóng rổ

    Để cải thiện kỹ năng chơi bóng rổ, bạn có thể tham khảo những gợi ý và kinh nghiệm dưới đây:

    • Chọn giày chơi bóng rổ phù hợp: Bạn cần có những đôi giày có đệm êm và mềm để hỗ trợ cho việc di chuyển, chạy và nhảy nhanh nhẹn. Ngoài ra, giày cũng nên có khả năng bảo vệ mắt cá chân tốt để tránh chấn thương khi chơi bóng rổ. Bạn có thể tham khảo những mẫu giày bóng rổ chất lượng, chính hãng tại gian hàng của Decathlon tại đây.
    • Làm nóng cơ thể trước khi tập luyện hay thi đấu: Việc này sẽ giúp bạn tăng cường sự linh hoạt của cơ thể và giảm thiểu nguy cơ bị tổn thương.
    • Kiểm soát đường bóng một cách linh hoạt: Bạn không nên đẩy bóng quá mạnh hay quá yếu. Khi tập luyện, bạn chỉ nên đẩy bóng cao hơn đầu gối một chút để dễ dàng điều khiển.
    • Luôn ở trong tư thế sẵn sàng phòng thủ khi thi đấu: Bạn cần tập trung theo dõi đường bóng và không để mất tập trung trong suốt thời gian trên sân.
    • Đẩy bóng bằng ngón tay: Khi đẩy bóng, bạn nên miết ngón tay vào bóng sao cho khi bóng rời tay thì lòng bàn tay hướng ra ngoài. Đây là cách giúp bạn chuyền bóng mạnh mẽ và chính xác hơn.
    Người chơi có thể tham khảo một số kinh nghiệm để nhanh chóng cải thiện kỹ thuật chơi bóng rổ của mình
    Người chơi có thể tham khảo một số kinh nghiệm để nhanh chóng cải thiện kỹ thuật chơi bóng rổ của mình (Nguồn: Internet)

    Như vậy, bài viết trên đã chia sẻ đến bạn cách chơi bóng rổ bằng những nguyên tắc, luật chơi và kỹ thuật cơ bản. Ngoài hiểu rõ lý thuyết, bạn nên luyện tập các kỹ thuật thật thuần thục để nhanh chóng cải thiện kỹ năng và có thể tham gia các trận đấu bóng rổ chính thức.

    Blog Oct 2024

    Black Friday Pop Up