[A-Z] 9 Cách Chơi Cầu Lông Cơ Bản Cho Người Mới Bắt Đầu!

Cầu lông là một môn thể thao thú vị và đầy thử thách, mang đến cho người chơi những giây phút thư giãn và sảng khoái. Nếu bạn đang muốn bắt đầu chơi môn thể thao này, hãy tham khảo 9 cách chơi cầu lông cơ bản dưới đây.

1. Top 9 kỹ thuật chơi cầu lông cơ bản

Cầu lông là môn thể thao sử dụng toàn bộ cơ thể từ cách cầm vợt, tư thế đứng, đến cách di chuyển chân,… Ở đây, chúng tôi tổng hợp 9 cách chơi cầu lông cơ bản, có kèm video và hình ảnh minh họa, mà bạn có thể dễ dàng luyện tập theo.

1.1. Kỹ thuật cầm vợt

Kỹ thuật cầm vợt cầu lông cơ bản là gì?
Kỹ thuật cầm vợt cầu lông cơ bản là gì? (Internet)

Cầm vợt là kỹ thuật đánh cầu lông đầu tiên mà bạn cần nắm được để đảm bảo sự thoải mái khi chuyển động cũng như lực và độ chính xác của từng cú đánh. Sau đây là một vài dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang dùng sai kỹ thuật:

  • Bạn cảm thấy căng ở lòng bàn tay khi cầm vợt quá chặt. Ngược lại, bạn cầm vợt quá lỏng và cảm thấy mất lực khi đập cầu.
  • Hoặc, bạn gặp khó khăn khi linh hoạt chuyển sang các kỹ thuật khác nhau như cú đánh xoáy, cú đánh nhẹ, hoặc cú đánh cắt do.

Trong những trường hợp trên, bạn có thể tham khảo 3 cách cầm vợt cơ bản, gồm cầm vợt thuận tay (Forehand/V-grip); cầm vợt trái tay (Backhand thumb grip); và cầm vợt khi phòng thủ (Defensive grip).

Minh họa cách cầm vợt thuận tay (Internet)
Minh họa cách cầm vợt thuận tay (Internet)

Cầm vợt thuận tay, hay còn được biết đến là Forehand grip hoặc V-grip, có nghĩa là cầm vợt theo hướng tay thuận của bạn để có thể kiểm soát vợt một cách thoải mái và tự tin nhất. Cách cầm vợt này phù hợp khi đánh những quả cầu rơi ở phía thuận tay hoặc rơi từ trên cao.

Hướng dẫn cầm vợt như sau:

  • Hướng mặt của vợt vuông góc với sàn.
  • Đặt tay thuận của bạn lên trên cán vợt, tưởng tượng như bạn đang bắt tay với cán vợt – Ngón trỏ và ngón cái của bạn tạo thành hình chữ “V”.
  • Thả lỏng tay cầm cán vợt để đảm bảo sự thoải mái và linh hoạt khi đánh cầu.
Đây là cách cầm vợt cầu lông trái tay. (Internet)
Đây là cách cầm vợt cầu lông trái tay. (Internet)

Kỹ thuật cầm vợt trái tay (Backhand thumb grip) được sử dụng khi đánh cầu trái tay ở giữa sân, khi giao cầu thấp tay, hoặc chụp lưới. Thay vì đặt ngón cái nằm ngang như cách cầm vợt thuận tay, bạn hãy duỗi ngón cái theo chiều dài của cán vợt và đặt lên cạnh sau của vợt, tưởng tượng như ngón cái của bạn đang đẩy cán vợt từ phía sau. Các ngón tay còn lại ôm lấy tay cầm của vợt.

Dưới đây là video minh họa cho bạn:

Đặt vợt ngang ngực để sẵn sàng phòng thủ trước cú đập cầu của đối thủ. (Internet)
Đặt vợt ngang ngực để sẵn sàng phòng thủ trước cú đập cầu của đối thủ. (Internet)

Nhiều người chơi mới thường buông vợt khi hoàn tất một cú phát cầu hoặc đập cầu. Điều này là một lỗi sai và có thể dẫn đến việc thua điểm do người chơi không kịp đỡ đòn phản công của đối thủ.

Bạn có thể khắc phục lỗi sai này bằng cách học cách cầm vợt cầu lông trong tư thế phòng thủ. Cụ thể, hãy đưa vợt về ngang ngực, mặt vợt hơi nghiêng và hướng ra ngoài, đồng thời đặt ngón tay cái lên mặt cạnh sau của vợt – tương tự như khi bạn cầm vợt trái tay. Khi tiếp xúc cầu, bạn sẽ dùng lực tì của ngón cái để đập cầu ngược lại.

Đọc thêm: Hướng dẫn luyện thay đổi linh hoạt cách cầm vợt

1.2. Kỹ thuật trong tư thế đứng

Có 3 tư thế đứng cơ bản trong cầu lông, bao gồm tư thế tấn công (attack stance); tư thế phòng thủ (defensive stance); và tư thế đỡ chụp cầu gần lưới (net stance).

Minh họa cho tư thế tấn công trong cầu lông. (Decathlon)
Minh họa cho tư thế tấn công trong cầu lông. (Decathlon)

Tư thế tấn công sẽ giúp tạo tiền đề để bạn thực hiện một cú tấn công mạnh mẽ về phía đối thủ trong trường hợp đánh cầu cao, đồng thời, bạn có thể phục hồi nhanh chóng sau cú đánh cầu. Bạn dễ dàng thực hiện tư thế này trong 4 bước:

  • Quan sát quỹ đạo của quả cầu và xoay người sang một bên mặt lưới, hướng quả cầu rơi xuống.
  • Đặt chân thuận phía sau làm trụ và giữ cho cơ thể cân bằng, chân còn lại ở phía trước.
  • Hai chân đứng cách nhau một khoảng rộng bằng vai.
  • Giơ cao tay cầm vợt để mặt vợt qua hoặc ngang đầu, đồng thời, giơ tay không cầm vợt vuông góc để giữ cân bằng cho cơ thể.
Minh họa cho tư thế phòng thủ trong cầu lông. (Internet)
Minh họa cho tư thế phòng thủ trong cầu lông. (Internet)

Sau một cú giao bóng cao hoặc khi bạn nhận ra đối thủ chuẩn bị tấn công, bạn hãy nhanh chóng thu về tư thế phòng thủ trong 3 bước để sẵn sàng đón cú phản công từ phía đối thủ:

  • Hướng người về phía đối thủ, hai chân rộng hơn vai một chút.
  • Hơi khuỵu gối để hạ trọng tâm cơ thể gần mặt đất.
  • Đưa hai tay ngang hông để giữ cân bằng và đặt vợt của bạn ở phía trước, hơi chúi xuống để đỡ cầu thấp, đặc biệt là các cú smash.

Tư thế cuối cùng là để đỡ chụp cầu gần lưới. Thoạt nhìn, tư thế này khá giống với tư thế khi bạn phòng thủ. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy chỉ có vị trí tay và cách cầm vợt giống nhau, còn vị trí đặt chân của 2 tư thế là khác nhau. Đây cũng được coi là kỹ thuật vớt cầu lông.

Đối với trường hợp đứng gần lưới, bạn sẽ thực hiện các thao tác như sau:

  • Đặt chân thuận đằng trước và chân không thuận ở đằng sau.
  • Đặt tay cầm vợt ra xa ngực và phía bên trên hông của bạn.
  • Giơ tay không cầm vợt lên ngang ngực và đặt vuông góc với mặt sân.
  • Hơi nghiêng người về phía mặt lưới và sẵn sàng nhảy lên để đập cầu.

1.3. Kỹ thuật di chuyển chân

Để thực hiện một cú đánh, bạn cần phải kết hợp linh hoạt 3 yếu tố cơ bản và tư thế đứng, cách cầm vợt, và cách di chuyển chân. Việc di chuyển chân một cách linh hoạt sẽ giúp bạn tiếp cận điểm rơi của cầu một cách nhanh chóng và chính xác, đồng thời, giúp  duy trì sự cân bằng, khả năng đổi hướng, và phục hồi tư thế sau mỗi cú đánh.

Vậy di chuyển chân như thế nào là đúng? – Có 3 cách cơ bản cho bạn tham khảo, bao gồm: bước chân lùi (backward court); bước chân tiến (forward court); và bước sang bên (side court).

Bước lùi trong cầu lông để phòng thủ hoặc đánh cầu ngắn. (Decathlon)
Bước lùi trong cầu lông để phòng thủ hoặc đánh cầu ngắn. (Decathlon)

Bước lùi được sử dụng khi bạn muốn di chuyển ra xa lưới cầu lông để đánh một đường cầu ngắn hoặc cầu cao, hoặc để đỡ một pha cầu xa của đối thủ. Khi đó, bạn sẽ chuyển trọng lượng cơ thể sang chân không thuận và nhanh chóng bước chân không thuận ra phía sau một khoảng rộng hơn vai. Chân thuận của bạn sẽ được dùng làm trụ và người bạn nghiêng về phía trước.

Bước nhảy tiến để tăng tốc trong cầu lông (Internet)
Bước nhảy tiến để tăng tốc trong cầu lông (Internet)

Bước tiến giúp bạn tiếp cận các cú đánh ở phía trước sân, gần lưới. Thông thường, một bước tiến sẽ kèm theo động tác nhảy về phía trước để giúp bạn di chuyển nhanh hơn và tạo đà cho cú đánh cầu.

Ở tư thế phòng thủ cơ bản như ở trên, bạn sẽ hơi bật người theo hướng cầu rơi và vươn dài chân thuận về phía trước. Khi chân thuận tiếp đất, bạn cần khụy khối xuống và dồn trọng tâm lên chân này để đưa vợt tiếp xúc cầu nhanh chóng và chính xác.

Ví dụ về bước tiến trong cầu lông
Ví dụ về bước tiến trong cầu lông (Internet)

Đối thủ có thể đánh vào các khoảng trống bên trái và phải của bạn nhằm ngăn bạn tiếp xúc cầu và ghi điểm. Chính vì vậy, bạn cũng cần rèn luyện một kỹ thuật di chuyển cơ bản khác, gọi là bước sang ngang.

Di chuyển sang một bên của sân cầu lông
Di chuyển sang một bên của sân cầu lông – gif. (Internet)

Hãy tưởng tượng bạn đang ở giữa sân và cầu rơi xuống cách xa bên trái của bạn. Như vậy, bạn cần đạp mạnh chân phải để tạo đà xoay người một góc 90 độ sang bên trái tương ứng, đồng thời, hạ trọng tâm và khụy hai đầu gối xuống một chút.

Sau đó, bạn sẽ nhảy các bước ngắn sang trái và đến một khoảng cách đã ước lượng, bạn cần vươn dài chân thuận về phía bên trái để đỡ cầu. Làm ngược lại nếu cầu rơi xuống phía xa bên phải của bạn.

1.4. Kỹ thuật giao cầu

Học cách phát (giao) cầu đúng cách để tạo lợi thế trong lượt đánh. (Internet)
Học cách phát (giao) cầu đúng cách để tạo lợi thế trong lượt đánh. (Internet)

Có 2 kỹ thuật giao cầu cơ bản thường gặp trong cầu lông, tùy thuộc, vào đường bay và cách tiếp đất của cầu: giao cầu ngắn (short serve) và giao cầu dài (long serve).

Minh họa các bước giao cầu ngắn
Minh họa các bước giao cầu ngắn – gif (Internet)

Cách giao cầu ngắn, hay còn được gọi là giao cầu thấp, được sử dụng khi bạn nhận thấy đối thủ ở xa lưới và cố gắng đưa quả cầu sang đầu sân bên kia. Quỹ đạo cầu ngắn và bất ngờ có thể khiến đối thủ không kịp bước tiến để đỡ cầu.

Tuy nhiên, đối thủ rất có thể đón được cầu và tạo ra một cú đập cầu mạnh trở lại. Bạn nên nhanh chóng hồi phục về tư thế phòng thủ và linh hoạt di chuyển chân để phòng trường hợp phản công.

Minh họa giao cầu sâu cao - gif. (Internet)
Minh họa giao cầu sâu cao – gif. (Internet)

Ngược lại, bạn cũng có thể giao cầu dài hay còn gọi là giao cầu sâu để tạo ra một đường cầu cao và đi sâu về phía đường biên ngang của sân đối thủ. Khi rơi xuống, đế cầu thường vuông góc với mặt sàn.

Kỹ thuật này thường chỉ dùng trong một trận đánh cầu đơn hoặc đánh đôi nữ bởi một mặt, nó là một đòn tấn công mạnh mẽ – mặt khác, nó tạo cho đối thủ một góc đánh cầu rộng và cơ hội phản công tuyệt vời.

Đọc thêm: Hướng dẫn từng bước phát cầu lông cơ bản và nâng cao!

1.5. Kỹ thuật đập cầu

Đập cầu là một cách chơi cầu lông cơ bản khi bạn tiếp một cú phát cầu của đối thủ hoặc khi bạn muốn tạo ra một đòn phản công mạnh mẽ và ghi điểm trực tiếp.

Đập cầu lông thuận tay (Forehand smash) là kỹ thuật đơn đập cầu đơn giản nhất. Trước khi đập cầu, bạn phải đặt mình vào tư thế tấn công (Attack stance) và cầm vợt kiểu thuận tay (V-grip) như được hướng dẫn ở trên.

Tư thế tấn công trước khi đập cầu lông thuận tay (Decathlon)
Tư thế tấn công trước khi đập cầu lông thuận tay (Decathlon)

Khi đầu vợt của bạn thẳng góc với quỹ đạo rơi của cầu, bạn hãy gập cổ tay và đập vào quả cầu bằng lực mạnh nhất có thể để quả cầu cắm xuống mặt sân của đối thủ. Sau khi đập cầu, hãy nhanh chóng trở về tư thế phòng thủ (defensive stance) và sẵn sàng cho các hoạt động tiếp theo.

Các bước liên hoàn để nhảy đập cầu (Internet)
Các bước liên hoàn để nhảy đập cầu (Internet)

Kỹ thuật nhảy đập cầu (jump smash) được sử dụng khi bạn muốn đánh cầu ở vị trí cao và tạo ra một quỹ đạo dốc, bất ngờ hơn so với đập cầu thuận tay.

**Lưu ý, cách chơi cầu lông này tiêu hao năng lượng một cách nhanh chóng. Bạn chỉ nên dùng cách đập cầu trong những pha tấn công quyết định. Bạn có thể tham khảo các bước nhảy đập cầu theo video sau đây.

Một kỹ thuật cơ bản khác bạn nên biết là đập cầu trái tay (backhand smash). Cú đánh cầu này phù hợp để phản công khi đối thủ cố ý đánh của cầu về phía tay nghịch để gây khó khăn cho bạn.

Bạn vẫn sử dụng tư thế tấn công như đập cầu thuận tay, tuy nhiên, hãy thay đổi cách cầm vợt thành trái tay và hạ tay vợt xuống một chút. Khi cầu vào tầm đánh, hãy xoay người về phía lưới và vung vợt của bạn thật mạnh vào quả cầu. Hãy cố gắng đưa cầu đi sát lưới của đối thủ để ngăn họ phản công lại.

Đọc thêm: 7 cách đập cầu lông mạnh và chính xác, từ cơ bản đến nâng cao.

1.6. Kỹ thuật lốp cầu (phông cầu)

Tổ hợp động tác khi phông cầu lông. (Internet)
Tổ hợp động tác khi phông cầu lông. (Internet)

Phông cầu, hay lốp cầu, là cách đánh cầu lông bổng lên cao và rơi xuống sâu về cuối phần sân bên kia. Nếu bạn phông cầu đúng kỹ thuật và lực đánh, quả cầu sẽ cách xa vị trí của đối thủ, khiến họ khó tiếp cận cầu và vì thế ít cơ hội phản đòn. Có 2 cách phông cầu cơ bản là tấn công và phòng thủ.

Bạn nên dùng kỹ thuật phông cầu tấn công khi thấy đối thủ ở rất gần vạch lưới để tạo bất ngờ khiến đối thủ không kịp tiếp cầu. Ngược lại, cách phông cầu phòng thủ được sử dụng khi bạn bị đối thủ dồn về phía cuối sân và chưa kịp chuẩn bị tư thế. Kỹ thuật này sẽ giúp sẽ giúp phá thế tấn công của đối thủ và bạn có thêm thời gian điều chỉnh tư thế khi họ di chuyển về cuối sân.

Trong cả 2 trường hợp, cách phông cầu là sẵn sàng ở vị trí tấn công và cố gắng kéo căng tay cầm vợt về phía sau hết sức có thể để tạo ra lực tiếp xúc và phông cầu về phía ngược lại. Một mẹo cho bạn là gập chân thuận thấp hơn chân còn lại để tạo đà đẩy trọng lượng cơ thể về phía trước khi phông cầu.

1.7. Kỹ thuật  bỏ nhỏ gần lưới 

Minh họa quỹ đạo cầu khi gài lưới. (Internet)
Minh họa quỹ đạo cầu khi gài lưới. (Internet)

Kỹ thuật bỏ nhở gần lưới (net shot) đưa cầu về gần lưới để tạo bất ngờ cho đối thủ và khiến họ khó đỡ cầu. Người đánh sẽ dùng lực nhẹ – gần như là chỉ “chạm” cầu, để nó rơi sát vạch lưới.

Trông đơn giản nhưng cách chơi bỏ nhỏ yêu cầu nhiều kỹ thuật, đặc biệt là độ nhạy cảm để xác định khi nào nên tiếp xúc cầu. Nếu bạn phản ứng không nhanh, cầu có thể xuống quá thấp và bạn không thể đẩy cầu qua lưới.

1.8. Kỹ thuật đẩy cầu

Minh họa tư thế đẩy cầu lông. (Internet)
Minh họa tư thế đẩy cầu lông. (Internet)

Bạn nên áp dụng cách chơi đẩy cầu khi cầu ở rất gần lưới và bạn muốn thực hiện một cú phản công về cuối sân để buộc đối thủ phải thay đổi vị trí và có thể không kịp đỡ cầu hoặc đỡ được cầu, nhưng khó phản công lại.

Cách hất cầu. (Internet)
Cách hất cầu. (Internet)

Để phát cầu cao và sâu về phía đường biên của đối thủ, bạn cần vươn cẳng tay thuận ra trước để đón cầu ở sát vách lưới và lắc cổ tay để đẩy cầu lên cao như hình minh họa ở trên.

2. 5 mẹo đánh cầu lông cho người mới bắt đầu

Bên cạnh 9 cách chơi cầu lông cơ bản, dưới đây là một số mẹo mà có thể áp dụng cho mọi kỹ thuật để giúp bạn tiến bộ nhanh hơn và giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

2.1. Chọn vợt phù hợp với trình độ và lực tay

3 yếu tố quan trọng khi chọn vợt cầu lông: trọng lượng, độ cứng của cán vợt, và điểm cân bằng (Decathlon)
3 yếu tố quan trọng khi chọn vợt cầu lông: trọng lượng, độ cứng của cán vợt, và điểm cân bằng (Decathlon)

Vợt là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến cách chơi cầu lông của bạn. Vợt phù hợp sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát cầu và thực hiện các kỹ thuật một cách chính xác, và đặc biệt và giảm nguy cơ chấn thương.

Các lưu ý khi chọn vợt:

  • Mục đích chơi cầu lông và ngân sách: Nếu bạn hướng đến việc chơi cầu lông chuyên nghiệp, hãy đừng ngần ngại đầu tư vào một cây gậy đắt tiền – khoảng trên dưới 3,000,000 VNĐ. Ngược lại, nếu bạn chơi để giải trí, một cây vợt dưới 1,000,000 VNĐ có thể đáp ứng các nhu cầu luyện tập cơ bản.
  • Trọng lượng: Vợt cầu lông cho trẻ em và người lớn, hoặc cho nữ giới và nam giới, sẽ có trọng lượng khác nhau. Đối với người mới chơi, chúng tôi khuyên dùng vợt dưới 85 g.
  • Độ cứng và kích thước cán vợt: Nếu mới chơi cầu lông, bạn hãy chọn vợt có độ dẻo cao để giúp trợ lực khi tiếp xúc cầu.
  • Độ cân bằng: Có 3 mức độ cân bằng – vợt công (vợt nặng đầu) phù hợp nếu lực đánh của bạn mạnh và thường xuyên sử dụng kỹ thuật đập cầu; cầu thủ (vợt nhẹ đầu) nếu bạn ưu tiên chơi các cú cắt hoặc chặn cầu; và cầu cân bằng dành cho người mới để làm quen và luyện tập các cách chơi cầu lông khác nhau.

Đọc thêm: Hướng dẫn chọn vợt cho người mới chơi và top 5 cây vợt cho bạn!

2.2. Luyện tập nhuần nhuyễn kỹ thuật cầm vợt

Bạn nên chú ý cách cầm vợt ở mọi tư thế và cách đánh (Decathlon)
Bạn nên chú ý cách cầm vợt ở mọi tư thế và cách đánh (Decathlon)

Như chúng tôi đã nhấn mạnh trước đó, việc cầm vợt đúng kỹ thuật giúp bạn thực hiện các cú đánh đúng lực và chính xác hơn. Vì vậy, bước đầu của việc học đánh cầu lông là hãy luôn chú ý cầm vợt đúng với cách chơi cầu lông mà bạn muốn triển khai.

Sau đây là một vài mẹo cho bạn:

  • Thả lỏng tay vợt : Khi bạn thấy căng ở các ngón tay, điều đó có nghĩa là bạn cầm vợt quá chặt. Hãy thả lỏng để tạo sự thoải mái cho bàn tay và linh hoạt hơn trong việc thay đổi các kỹ thuật đánh.
  • Đặt lòng bàn tay vuông góc với cán vợt: Dù cầm vợt thuận tay, trái tay, hay phòng thủ, bạn nên để lòng bàn tay của bạn vuông góc với cán vợt. Điều này giúp bạn có sự kiểm soát tốt hơn và tạo ra góc đánh chính xác.
  • Đừng nắm quá cao hoặc quá thấp: Đặt tay trên cán vợt ở vị trí trung tâm, không nắm quá cao hoặc quá thấp. Như vậy, bạn sẽ kiểm soát vợt tốt hơn.

Đọc thêm: Cách cầm vợt từ cơ bản đến nâng cao.

2.3. Chú ý di chuyển chân giúp tiết kiệm sức lực

Mỗi cách đánh cầu lông sẽ đòi hỏi những thiên hướng di chuyển riêng, tuy nhiên, để tận dụng tối đa năng lượng, bạn có thể ứng dụng một vài mẹo sau đây để tiết kiệm năng lượng và di chuyển một cách hiệu quả:

  • Luôn ghi nhớ vị trí trung tâm của sân đấu.
  • Khi di chuyển ngang, chỉ cần đi một đến hai bước.
  • Khi tiến lên hoặc lùi xuống, cần đi hai đến ba bước tùy thuộc vào vị trí của đối thủ.

Bên cạnh đó, hãy kết hợp với các lời khuyên của vận động viên cầu lông Đinh Xuân Bảo dưới đây:

2.4. Linh hoạt trong hướng tấn công

Thay đổi hướng tấn công bất ngờ sẽ giúp hạ gục đối thủ nhanh chóng. (Internet)
Thay đổi hướng tấn công bất ngờ sẽ giúp hạ gục đối thủ nhanh chóng. (Internet)

Nếu chơi cầu lông với một đối thủ tầm trung hoặc chuyên nghiệp, bạn sẽ nhận ra rằng các cách chơi cơ bản sẽ dễ đoán và không tạo được lợi thế khi bạn tấn công hay phòng thủ. Vậy một bước nâng cao hơn là hãy linh hoạt thay đổi giữa các kỹ thuật và thay đổi hướng tấn công để tạo bất ngờ cho đối thủ.

Để làm được việc này thì bạn cần nâng cao khả năng quan sát tìm ra điểm yếu của đối thủ, sau đó kết hợp nhuần nhuyễn 3 kỹ thuật:

  • Cách cầm vợt
  • Tư thế đứng
  • Di chuyển chân

2.5. Khởi động và giãn cơ trước và sau mỗi trận đấu

Rất nhiều người mới chơi quên khởi động trước khi bắt đầu trận đấu hoặc lượt giao cầu mới. Tuy nhiên, đây là một bước vô cùng quan trọng để làm nóng cơ thể, giãn cơ, và nâng cao sự linh hoạt. Hãy cùng tham khảo một số bài tập khởi động như sau:

  • Đi bộ nhanh: Bắt đầu bằng việc đi bộ nhanh trong khoảng 5 – 10 phút sẽ làm nóng cơ và tăng cường tuần hoàn máu. Tập trung vào việc đẩy nhanh tốc độ và sử dụng cả cơ chân và cơ tay.
  • Chạy bộ: Tiếp theo, chạy bộ nhẹ nhàng trong khoảng 5 – 10 phút để tăng cường sự tiếp xúc với sân và làm nóng cơ toàn thân. Tập trung vào việc duy trì tốc độ và hướng chạy ổn định.
  • Giãn cơ: Thực hiện các động tác giãn cơ để nới lỏng và nâng cao sự linh hoạt của cơ và khớp. Tập trung vào các nhóm cơ chính như cơ vai, cơ tay, cơ chân và cơ lưng.
  • Quay cổ và vai: Làm các động tác quay cổ và vai để giãn cơ và tránh chấn thương trong quá trình chơi. Quay cổ từ trái sang phải và ngược lại và quay vai theo chiều kim đồng hồ và ngược chiều kim đồng hồ.
  • Vận động cơ bản: Thực hiện các động tác vận động cơ bản như xoay người, chạy đạp, nhún nhảy nhẹ nhàng để làm nóng cơ và tăng cường tư thế và phản xạ.
  • Đánh cầu nhẹ: Cuối cùng, thực hiện một vài cú đánh cầu nhẹ để điều chỉnh sự chuẩn bị và tìm hiểu tình trạng sân và cầu. Điều này giúp bạn làm quen với cảm giác cầm vợt và điều chỉnh thời điểm đánh trước khi bắt đầu trận đấu.

Đọc thêm: Mẹo đánh cầu lông giỏi!

Luyện tập cách chơi cầu lông cơ bản vừa tăng tính chính xác và ổn định trong các tình huống khác nhau của một trận đấu vừa là nền tảng để xây dựng các kỹ thuật phức tạp hơn. Chúc bạn ứng dụng hiệu quả các cách chơi cầu trên và có thể nhanh chóng năng cao đến trình độ mà mình mong muốn.

Blog Oct 2024

local sale October