Việc quyết định đi cắm trại ăn gì có thể khiến những người chưa có nhiều kinh nghiệm đau đầu. Bạn vừa phải chọn đồ ăn dễ chuẩn bị, dễ bảo quản và mang đi, lại vừa phải đảm bảo sự tươi ngon và chất dinh dưỡng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ một số gợi ý về đồ ăn khi đi cắm trại, giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn cho chuyến đi của mình.
Mục lục bài viết
1. Các món ăn nguội đi picnic
Nếu bạn không có điều kiện mang nhiều dụng cụ nấu nướng, những món ăn nguội và thực phẩm đóng hộp sẽ là lựa chọn tuyệt vời. Các thực phẩm này không yêu cầu quy trình chế biến cầu kỳ, thậm chí là có thể ăn ngay.
Đồng thời, đồ ăn nguội thường được đóng gói sẵn trong túi chân không hoặc hộp thiếc nên rất dễ bảo quản và mang đi. Về mặt dinh dưỡng, thực phẩm nguội giàu vitamin và khoáng chất, cùng các chống oxy hóa giúp bạn và gia đình dễ tiêu hóa và no lâu.
Hãy điểm qua 5 lựa chọn phổ biến cho những chuyến dã ngoại sau đây.
1.1. Sandwich
Sandwich là món ăn cho cả nhà, đặc biệt là các bạn nhỏ, vì nó vừa có màu sắc hấp dẫn và hương vị cân bằng từ nhiều nguyên liệu khác nhau, từ thịt, trứng, cá, rau, trái cây, và gia vị.
Một công thức Sandwich đơn giản, phù hợp cho các chuyến cắm trại bao gồm:
- Vỏ bánh mì Sandwich dạng tam giác hoặc hình vuông.
- Nhân mặn như phô mai lát, bơ lát, thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, cá ngừ đóng hộp, hoặc trứng rán.
- Các loại rau củ như rau xà lách, cải xanh, cà chua thái miếng hoặc cà chua bi, hành tây, dưa chuột,….
- Các loại sốt, ví dụ như mayonnaise, sữa chua, mù tạt vàng, hoặc mứt.
Bạn có thể tham khảo nhiều công thức hơn dưới đây.
Sau khi làm xong sandwich, bạn cần bảo quản đúng cách để món ăn được tươi ngon khi đem đi dã ngoại. Sau đây là một số cách cho bạn:
- Dùng giấy bạc: Bạn hãy đặt chiếc sandwich vào giữa 2 tờ giấy bạc và gấp kín hai tờ giấy, cố định nó bằng sợi dây hoặc một miếng băng dính.
- Sử dụng túi giữ nhiệt: Nếu đi dã ngoại vào mùa đông và dùng nhân nóng, bạn nên cho sandwich vào một túi giữ nhiệt được rút chân không và khóa kín bằng zip hoặc khóa bấm.
- Đựng vào hộp thức ăn: Hãy thử xếp hai hoặc ba chiếc sandwich một hộp để chúng để sát vào nhau và tránh xô lệch trong quá trình di chuyển. Tuy vậy, cũng không nên để quá chặt để các miếng sandwich không bị nghiền hoặc biến dạng.
Bạn cũng có thể để riêng các nguyên liệu các hộp hoặc túi zip riêng, sau đó, trực tiếp làm sandwich tại chỗ dã ngoại. Như vậy, bạn và gia đình vừa có thể chọn nhân sandwich theo ý thích vừa giữ món ăn tươi ngon lâu hơn.
1.2. Phở cuốn
Cũng kết hợp nhiều nguyên liệu giống như sandwich, tuy nhiên, phở cuốn lại dùng các nguyên liệu thuần Việt như bánh phở, thịt bò xào, trứng rán, giò, chả, cà rốt, dưa chuột, rau mùi, rau xà lách, vv. Món ăn này được chấm với nước mắm tỏi ớt để trung hòa vị rau và thịt, khiến nó có hương vị đậm đà và dễ ăn.
Bạn có thể chuẩn bị phở cuốn cho chuyến dã ngoại mùa hè vì mùa này có nhiều loại rau, củ, quả tươi giúp món ăn ngon hơn. Nhưng cần lưu ý, phở cuốn không có nhiều calories như sandwich và bạn sẽ nhanh đói. Chính vì vậy, bạn nên chuẩn bị thêm các món ăn khác cho gia đình và bạn bè.
Để các cuốn không bị ngấm gia vị hoặc bị ỉu, bạn nên để riêng chúng và làm phở cuốn tại nơi cắm trại. Tuy vậy, cần chú ý thưởng thức món này ngay trong đầu buổi dã ngoại vì nguyên liệu như bún hoặc phở cuốn rất dễ bị khô hoặc thiu nếu để quá lâu.
1.3. Gỏi cuốn
Bạn có thể dùng các nguyên liệu của phở cuốn để làm thành món gỏi cuốn thịt heo hoặc gỏi cuốn bò. Với món này, hay vì sử dụng bánh phở dày bằng gạo, bạn sẽ dùng bánh tráng mỏng và trong. Gỏi cuốn tôm thịt là lựa chọn lý tưởng cho các chuyến cắm trại vào mùa hè. Nhưng cần chú ý các loại hải sản như tôm dễ bị hỏng hơn, nên bạn cần sơ chế qua à bỏ vào hộp riêng trước khi đem đến nơi cắm trại.
1.4. Cơm cuộn/Kimbap
Cơm cuộn, hay còn gọi là kimbap, là một món ăn truyền thống của Hàn Quốc, được làm từ cơm trắng dẻo, rau củ thái sợi, thịt, trứng rán, củ cải vàng muối, dầu vừng,… cuộn trong lá rong biển.
Không chỉ có hương vị thơm ngon, món ăn này còn rất dễ làm, dễ bảo quản nên rất được ưa chuộng cho các chuyến đi cắm trại. Ngoài ra, để món Kimbap được tròn vị, bạn mang theo sốt chấm là mayonnaise hoặc tương ớt.
1.5. Salad
Bên cạnh các món nguội, món nướng, và món lẩu, hãy chuẩn bị món salad rau củ để giúp tăng cảm giác ngon miệng và hỗ trợ tiêu hóa. Khi chọn rau củ làm salad, bạn nên chọn các loại rau củ tươi ngon, có màu sắc bắt mắt. Một số loại rau củ thường được sử dụng trong salad bao gồm:
- Rau lá xanh: Xà lách, rau diếp, rau cải,…
- Rau củ quả: Cà chua, dưa chuột, cà rốt, bắp cải,…
- Trái cây: Dâu tây, dưa hấu, kiwi,…
Bạn cũng đừng quên mang theo loại nước sốt khác nhau, như mayonnaise, giấm táo hay mật ong,… để món salad thêm đậm đà hương vị. Salad rau củ là món ăn có thể ăn ngay, không cần chế biến cầu kỳ, giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức mà vẫn có đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết cho cơ thể khi đi cắm trại.
2. Những món nướng khi đi cắm trại
Các món ăn nguội bên trên mặc dù có nhiều dinh dưỡng nhưng khẩu phần ăn ít, thiếu protein nên khiến cơ thể rất nhanh đói, đặc biệt là sau khi chơi các trò chơi ngoài trời.
Chính vì thế, bạn nên chuẩn bị thêm các món ăn chính, ví dụ như các món nướng. Những món ăn này vừa thơm ngon, đậm vị lại vừa gắn kết cả gia đình hoặc nhóm bạn khi cùng nhau nhóm lửa và nướng đồ ăn.
2.1. Gà nướng nguyên con
Gà nướng là một trong những món ăn phổ biến nhất khi đi cắm trại bởi nó có hương vị thơm ngon, hấp dẫn và phù hợp với nhiều loại thời tiết. Thông thường, bạn có thể nướng 1 con gà 2 – 3 kg cho 4 – 5 người ăn.
Khi nướng, bạn nên xoay đều gà trên bếp than hoặc lò nướng để gà chín đều và không bị khô. Món này phù hợp ăn vào những ngày se lạnh hoặc mùa đông. Bạn có thể chấm gà với muối tiêu chanh hoặc nước mắm pha chua ngọt.
Món này không kiêng với ai, nhưng bạn nên ăn vừa phải và uống nhiều nước để tránh bị khát và khô miệng. ăn gì khi đi cắm trại
2.2. Ba chỉ cuộn nấm
Ăn gì khi đi cắm trại? Một món nướng đơn giản rất phù hợp cho các chuyến đi cắm trại khác mà ai cũng có thể làm được là món ba chỉ cuộn nấm. Món ăn này được chế biến từ bò ba chỉ, nấm kim châm, dầu hào – đây đều là những nguyên liệu dễ kiếm tại các siêu thị và cửa hàng thực phẩm.
Thịt bò và nấm nên được sơ chế trước khi bạn đi dã ngoại. Với bò ba chỉ, bạn nên rửa sạch và ướp với dầu hào để thịt bò mềm và ngấm đều gia vị. Nấm kim châm được cho vào giữa miếng thịt bò, cuộn đều, và cố định bằng một cọng hành (đã được nhúng nước sôi để dai hơn. Khi nướng, cần chú ý là thịt bò và nấm rất nhanh chín nên bạn chỉ cần nướng trong khoảng 10 phút là có thể ăn được.
2.3. Bò xiên nướng rau củ
Bò xiên nướng rau củ là một món ăn dã ngoại vừa thu hút về màu sắc và hương vị, lại vừa rất tốt cho sức khỏe. Như bạn đã thấy, một xiên nướng được kết hợp từ những tảng thịt bò sốt tiêu, ớt chuông xanh, cà chua, hành tây, nấm đùi gà, vv.
Bạn có thể kết hợp bất kỳ loại rau củ nào mà phù hợp với khẩu vị của gia đình và bạn bè trong chuyến dã ngoại. Đặc biệt là trẻ em, chúng rất thích màu sắc sặc sỡ của xiên thịt và sẽ không ngần ngại ăn thêm rau trong bữa cơm.
Đồng thời, sau đây là một vài mẹo sơ chế và đóng gói nguyên liệu cho món bò/lợn xiên nướng rau củ:
- Cắt nhỏ và bảo quản lạnh trong hộp kín: Cắt thịt thành những miếng vừa ăn, tầm 2.5 cm và ướp thịt trước khi nướng. Sau đó, bảo quản lạnh để thịt được tươi lâu.
- Không xiên rau củ trước: Việc xiên rau củ và để qua đêm có thể khiến các nguyên liệu mất độ tươi của nó. Bạn nên xiên rau củ trước khi khởi hành.
2.4. Hải sản nướng
Nếu bạn và gia đình không thích ăn nhiều thịt trong buổi dã ngoại, bạn có thể thay thế thịt bằng các loại hải sản như tôm, mực, bạch tuộc, hàu, vv. Những loại hải sản này giúp cung cấp năng lượng cho chuyến đi và cũng rất thơm ngon. Bạn nên chuẩn bị cả hải sản tươi và một vài loại sốt để món ăn thêm phong phú. Món này phù hợp ăn vào những ngày nắng hoặc những dịp cắm trại ven hồ, ven biển.
Cần lưu ý là hải sản rất dễ hỏng nên bạn phải bảo quản cẩn thận trong thùng đá và đặt thùng ở nơi râm mát để tránh bị mùi. Ngoài ra, món này kiêng với những người bị dị ứng với hải sản hoặc có tiền sử bệnh gan, thận hoặc gút. Vì vậy, bạn cần hỏi kỹ các thành viên trong đoàn cắm trại để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
2.5. BBQ – Thịt nướng các loại
Đối với một buổi dã ngoại đông người, mỗi người có thể có sở thích ăn nướng khác nhau, trong trường hợp đó, một bữa tiệc BBQ có phong phú các loại thịt là một lựa chọn tuyệt vời. Bạn có thể phân công nhóm của bạn chuẩn bị những món món khác nhau, ví dụ như:
- Ba chỉ cuộn nấm
- Bò xiên nướng rau củ
- Hải sản nướng
- Sườn nướng
- Bò tảng
- Xúc xích
- Rau củ quả
- Các loại nấm
Khi nướng BBQ, bạn nên mang theo bếp nướng chuyên dụng hoặc kiểm tra xem nơi cắm trại có cho thuê bếp hay không. Vì mỗi loại thịt cần yêu cầu nhiệt độ khác nhau nên bếp có nhiều mức nhiệt độ hoặc loại vỉ sẽ giúp thịt nướng chín tới và ngon hơn.
3. Món tráng miệng đi picnic
Bên cạnh các món ăn nguội và món chính, bạn hãy nhớ mang theo các loại hoa quả hoặc đồ ăn nhẹ để tráng miệng sau bữa ăn, hoặc để ăn hồi sức sau cá hoạt động vui chơi tập thể.
3.1. Trái cây tươi các loại
Hoa quả và các loại trái cây là một lựa chọn tuyệt vời cho các chuyến picnic bởi vì chúng không chỉ cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, mà còn có hương vị ngon miệng và tươi mát. Bạn có thể mang theo các loại trái cây nhỏ gọn, dễ vận chuyển cho chuyến da ngoại như táo, cam, dưa hấu, dưa lê, nho, dứa… Nếu đi cắm trại đường dài, phải di chuyển nhiều, bạn nên tránh mang các loại trái cây có vỏ mỏng hoặc dễ bị nát như dâu tây, kiwi, việt quất. vv.
3.2. Nước ép hoa quả
Khi đi cắm trại, phải vận động nhiều và dễ mất nước khi đổ mồ hôi, thay vì ăn trái cây tươi như trên, bạn có thể chuẩn bị sẵn nước ép để bù nước và vitamin nhanh cho cơ thể. Tuy nhiên, hãy nhớ uống thêm nước uống không có đường hoặc nước điện giải để bổ sung lượng nước và chất điện giải thiếu hụt. Về cách bảo quản, bạn cần để nước ép trong thùng xốp có đá, hoặc thùng lạnh để tránh bị tách nước, gây ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng của đồ uống.
3.3. Sinh tố hoa quả
Với một số loại hoa quả không thể ép thành nước như bơ, chuối, mãng cầu, xoài,… việc làm sinh tố là một lựa chọn thay thế cho các chuyến đi cắm trại. So với nước ép, sinh tố có nhiều chất xơ, giúp bạn tiêu hóa tốt hơn. Bạn cũng có thể thêm đường hoặc các loại hạt tùy theo khẩu vị của các thành viên trong nhóm cắm trại.
3.4. Sữa chua
Một cách ăn hoa quả khác là ăn cùng sữa chua. Đây là thực phẩm có sẵn trong siêu thị và các cửa hàng giúp bạn chuẩn bị nhẹ nhàng hơn với vấn đề đi cắm trại mang đồ ăn gì. Sữa chua cũng được đóng gói kỹ càng và rất dễ mang theo cũng như bảo quản cho chuyến cắm trại. Bạn có thể ăn sữa chua trực tiếp, hoặc thêm vào các món ăn khác như ngũ cốc muesli, trái cây hoặc bánh mì để tăng thêm hương vị và chất dinh dưỡng.
Nếu mang sữa chua, bạn cũng nên để trong hũ kín và giữ lạnh trong túi giữ nhiệt. Không để sữa chua tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp hoặc nhiệt độ cao vì sẽ làm sữa chua bị chua và đổi màu.
3.5. Bánh ngọt
Ngoài ra, bạn cũng có thể mang theo các loại bánh ngọt như bánh quy, bánh cupcake, bánh brownie, bánh bông lan… để làm phong phú thêm bữa ăn picnic. Bánh ngọt thường chứa các nguồn carbohydrates như bột mì, đường và tinh bột, giúp bạn và các thành viên trong nhóm nạp năng lượng một cách nhanh chóng sau khi vận động hoặc đi bộ đường dài.
4. 5 kinh nghiệm khi mang đồ ăn đi cắm trại
Khi mang đồ ăn đi cắm trại, có một số kinh nghiệm quan trọng có thể giúp bạn tận hưởng chuyến cắm trại của mình một cách thoải mái và an toàn.
4.1. Tìm hiểu quy định cắm trại tại địa phương
Trước khi mang đồ ăn đi cắm trại, đặc biệt tại các địa điểm hoang sơ, gần tự nhiên, bạn nên tìm hiểu kỹ về quy định cắm trại tại nơi bạn đến, như có được phép nấu ăn hay không, có những khu vực nào cấm hay giới hạn đốt lửa, có yêu cầu báo trước hay không,… Điều này sẽ giúp bạn tránh những rắc rối không đáng có và bảo vệ môi trường.
4.2. Lựa chọn thực phẩm thích hợp với thời tiết
Tùy theo điều kiện thời tiết và lịch trình của buổi cắm trại, bạn cần lựa chọn thực phẩm thích hợp. Nếu bạn đi cắm trại vào mùa hè, bạn nên chọn đồ ăn mát mẻ, dễ ăn và ít dầu mỡ như salad, trái cây, gỏi cuốn. Nếu bạn đi cắm trại vào mùa đông, bạn nên ưu tiên những đồ ăn nóng hổi, bổ dưỡng và nhiều calo như đồ nướng, cháo, súp, xúc xích, hoặc các món ăn có gia vị cay nóng như ớt, gừng, tỏi.
Còn nếu bạn đi vào hôm có mưa hoặc có nhiều gió, Decathlon khuyên bạn mang theo các món ăn sẵn hoặc dễ chế biến như sandwich và bánh mì. Hãy đảm bảo đồ ăn được đóng gói kỹ lưỡng để tránh nước mưa thấm vào.
4.3. Tính toán kỹ lưỡng khẩu phần ăn
Bạn nên tính toán kỹ lưỡng khẩu phần ăn cho mỗi người và mỗi bữa trong chuyến cắm trại của bạn, để tránh mang quá nhiều gây lãng phí hoặc quá ít đồ ăn. Bạn cũng nên dự phòng một số khẩu phần ăn khẩn cấp trong trường hợp có sự cố xảy ra. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của bạn bè đi cùng về lượng ăn của họ để đưa ra menu phù hợp nhất.
4.4. Bảo quản đồ ăn trong điều kiện lạnh và khô ráo
Khi cắm trại, việc bảo quản thực phẩm đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn nên bảo quản đồ ăn trong những túi zip hoặc hộp kín để ngăn không khí và hơi ẩm bên ngoài vào.
Bạn cũng nên sử dụng túi giữ lạnh hoặc đá khô để giữ cho đồ ăn luôn tươi ngon. Ngoài ra, bạn nên bảo quản đồ ăn ở những nơi cao ráo và thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và xa các nguồn nhiệt.
4.5. Chuẩn bị dụng cụ nấu ăn phù hợp
Đi cắm trại nên mua đồ ăn gì? Đây là câu hỏi mọi người thường nghĩ đến mà quên nghĩ tới dụng cụ nấu ăn. Bạn nên chuẩn bị những dụng cụ nấu ăn nhẹ, gọn và dễ sử dụng khi đi cắm trại, như bếp ga mini, xoong chảo nhôm hoặc thép không gỉ, dao kéo, muỗng nĩa, bát đĩa nhựa hoặc giấy. Bạn cũng nên mang theo các gia vị cơ bản, như muối, tiêu, đường, dầu ăn, giấm hoặc tương.
Đọc thêm: Đi cắm trại thì cần những gì? để không bỏ sót bất kì vật dụng nào khiến buổi cắm trại của bạn thiếu sót.
Như vậy, bài viết đã cung cấp gợi ý chi tiết về việc đi cắm trại ăn gì, từ món khai vị, món chính đến món tráng miệng. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn cho đồ ăn khi đi cắm trại. Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ và đáng nhớ!